Hợp đồng thương mại điện tử là loại hợp đồng thương mại được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu và xác lập qua phương tiện điện tử. Loại hình hợp đồng này cần căn cứ theo quy định của Luật Giao dịch điện tử và Luật thương mại. Hợp đồng thương mại điện tử được đánh giá có nhiều đặc điểm nổi bật phù hợp với thị trường hiện nay.
1. Hợp đồng thương mại điện tử là gì?
Hợp đồng thương mại là hình thức pháp lý của hành vi thương mại, thỏa thuận giữa các chủ thể kinh doanh để xác lập, thay đổi và chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại.
Ngoài ra, Điều 33, Luật giao dịch điện tử 2005 quy định hợp đồng điện tử là loại hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định pháp luật.
Như vậy có thể thấy, hợp đồng thương mại điện tử là loại hợp đồng thương mại và thể hiện bằng phương tiện điện tử.
Giá trị về pháp lý
- “Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu” (Theo Điều 34 Luật Giao dịch điện tử 2005).
- Điều 15, Luật thương mại 36/2005/QH11 cũng đã nêu: “Trong hoạt động thương mại, các thông điệp dữ liệu đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì được thừa nhận có giá trị pháp lý tương đương văn bản.”
2. Vai trò của hợp đồng thương mại điện tử
Hợp đồng thương mại điện tử đóng vai trò là căn cứ để xác định sự thỏa thuận giữa các chủ thể kinh doanh với nhau. Thông qua đó, hợp đồng thể hiện sự xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc thực hiện hoạt động thương mại.
3. Đặc điểm của hợp đồng thương mại điện tử
3.1. Chủ thể hợp đồng thương mại điện tử
Chủ thể của hợp đồng thương mại điện tử gồm từ 2 bên trở lên trong đó có ít nhất 1 bên là thương nhân. Bên còn lại có thể là thương nhân hoặc cá nhân/tổ chức chấp nhận giao kết.
Thương nhân giao kết với khách hàng/đối tác qua các kênh điện tử như: website, sàn giao dịch thương mại điện tử, hợp đồng hình thành qua thư điện tử và hợp đồng sử dụng chữ ký số. Đối tượng thương nhân trong hợp đồng thương mại điện tử cần cung cấp đầy đủ thông tin hàng hóa, dịch vụ và điều khoản hợp đồng cho (các) bên còn lại.
3.2. Hiệu lực hợp đồng
Hợp đồng thương mại điện tử cần đáp ứng các điều kiện theo quy định để đảm bảo tính hiệu lực. Cụ thể, loại hợp đồng này cần tuân thủ yêu cầu như một hợp đồng dân sự. Đồng nghĩa với việc các bên tham gia giao kết cần có đủ năng lực hành vi dân sự để đảm bảo nội dung và mục đích của hợp đồng không vi phạm các điều cấm của pháp luật.
Ngoài ra, các bên tham gia giao kết hợp đồng thương mại điện tử phải hoàn toàn tự nguyện, tự do và thỏa thuận. Các cam kết, thỏa thuận tự nguyện này cần tuân thủ quy định pháp luật, không vi phạm điều cấm hoặc trái với đạo đức xã hội.
3.3. Đối tượng của hợp đồng
Hợp đồng thương mại điện tử thể hiện về thỏa thuận hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Vì vậy, đối tượng của loại hợp đồng này là hàng hóa, dịch vụ không vi phạm quy định pháp luật, không bị cấm hay hạn chế kinh doanh.
3.4. Hình thức hợp đồng
Hình thức của hợp đồng thương mại điện tử cần đảm bảo có thể truy cập và sử dụng được. Điều này đảm bảo cho việc tham chiếu hoặc xem xét lại khi cần thiết.
Ngoài ra, loại hợp đồng này cần được xác lập dưới dạng hình thức văn bản, thể hiện bằng câu từ, hình ảnh, video kèm theo. Hình thức của hợp đồng là cơ sở pháp lý quan trọng để các bên giải quyết mâu thuẫn hợp pháp khi có tranh chấp.
3.5. Phạm vi áp dụng hợp đồng thương mại điện tử
Hợp đồng thương mại điện tử được áp dụng trong phạm vi hoạt động của cơ quan Nhà nước, lĩnh vực dân sự, thương mại và kinh doanh. Ngoài ra, loại hợp đồng này có thể áp dụng cho các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.
4. Lợi ích của hợp đồng thương mại điện tử
Hình thức hợp đồng thương mại điện tử sở hữu những lợi ích tương tự như hợp đồng điện tử, tiêu biểu như:
4.1. Ký kết linh hoạt, tiện lợi
Với hợp đồng thương mại điện tử, các bên tham gia dễ dàng ký trên các thiết bị điện tử kết nối Internet nhanh chóng mà không cần gặp gỡ trực tiếp. Điều này giúp việc ký kết trở nên linh hoạt và tiện lợi hơn bao giờ hết.
Nhờ sử dụng Internet để ký kết hợp đồng giúp các bên dễ dàng giao kết mọi lúc, mọi nơi với nhiều loại thiết bị như máy tính, điện thoại, máy tính bảng…
4.2. Tiết kiệm thời gian cho quy trình ký kết
Hợp đồng thương mại điện tử giúp tiết kiệm thời gian cho các bên tham gia một cách tối ưu nhất. Thông qua hợp đồng này, các bên tiết kiệm được thời gian di chuyển, sửa đổi, gửi hợp đồng dạng vật lý để ký kết.
4.3. Tối ưu hóa chi phí
Sử dụng hợp đồng thương mại điện tử cũng giúp thương nhân và các bên giao kết tiết kiệm được chi phí đi lại, in ấn tài liệu, gửi hợp đồng, chi phí lưu trữ… Nhờ đó, giúp các bên giao kết tiết kiệm được mức chi phí đáng kể.
4.4. Nâng cao độ cạnh tranh của doanh nghiệp
Khi kinh tế phát triển và ngày càng cạnh tranh giữa nhiều thương nhân trên thị trường, việc tìm kiếm các đối tác hay thị trường mới đòi hỏi phải nhanh chóng, linh hoạt. Sử dụng hợp đồng thương mại điện tử giúp các bên thể hiện tính mới, khả năng phản ứng nhanh nhạy trước thời cơ kinh doanh với các đối tác trong và ngoài nước.
5. Nội dung chính của hợp đồng thương mại điện tử
Nội dung chính của hợp đồng thương mại điện tử cần thể hiện được các thông tin cơ bản gồm:
5.1. Đối tượng của hợp đồng
Trong hợp đồng thương mại điện tử cần thể hiện đúng tên đối tượng giao dịch. Đối tượng giao dịch ở đây là hàng hóa, ví dụ: quần áo, máy móc, linh kiện,… Căn cứ vào tính pháp lý, hàng hóa được chia thành nhiều loại như động sản, bất động sản, tài sản vô hình, tài sản hữu hình và quyền về tài sản.
5.2. Số lượng, chất lượng
Ngoài đề cập tên đối tượng, nội dung hợp đồng thường nêu rõ các vấn đề liên quan như số lượng, chất lượng, mẫu mã… Việc thể hiện rõ các thông tin này giúp hỗ trợ cho quá trình mua bán, giao dịch.
5.3. Giá trị hợp đồng và phương thức thanh toán
Giá trị hợp đồng là giá trị với đối tượng của hợp đồng. Ví dụ, hai bên xác lập hợp đồng thương mại mua bán máy tính và thỏa thuận giá sản phẩm là 10.000.000 đồng, cần ghi giá thỏa thuận này vào trong hợp đồng.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp giá trị hợp đồng dựa trên các giao dịch hóa đơn chứng từ, giá trị hợp đồng sẽ dựa trên giấy tờ các bên kèm theo theo quy định của pháp luật.
Phương thức thanh toán là thông tin không thể thiếu trong hợp đồng thương mại điện tử. Các bên thực hiện giao kết cần thỏa thuận phương thức thanh toán phù hợp. Một số phương thức thanh toán phổ biến với loại hợp đồng này là: chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng, nhờ thu, thanh toán bằng ví điện tử, thanh toán bằng séc…
5.4. Thời hạn, địa điểm và phương thức thực hiện hợp đồng
Hợp đồng thương mại điện tử cần thể hiện thời hạn thực hiện hợp đồng thực tế. Cụ thể, các bên cần thỏa thuận về thời gian bắt đầu có hiệu lực của hợp đồng, thời gian thực hiện hợp đồng (Ví dụ: thời gian giao sản phẩm, thời gian làm dịch vụ…) và thời hạn kết thúc hợp đồng.
>> Tìm hiểu thêm về thời điểm hợp đồng điện tử có hiệu lực theo quy định của pháp luật.
Địa điểm thực hiện hợp đồng thương mại điện tử là địa điểm giao sản phẩm/dịch vụ theo thỏa thuận. Điều này cần được thể hiện rõ trong hợp đồng, đây có thể là địa điểm của bên cung ứng (thương nhân) hoặc địa điểm của bên mua/giao dịch.
Phương thức thực hiện hợp đồng là cách để các bên tham gia giao kết hợp đồng thương mại điện tử thực hiện điều khoản, nội dung đã thỏa thuận. Các phương thức thực hiện có thể qua sàn giao dịch, website, trang đấu giá, hợp đồng hình thành qua thư điện tử và hợp đồng sử dụng chữ ký số.
5.5. Quyền, nghĩa vụ của các bên
Quyền và nghĩa vụ là những thỏa thuận giữa các bên và cần được thể hiện rõ tại hợp đồng thương mại điện tử. Ngoài ra, trong nội dung hợp đồng có thể nêu thêm các điều khoản ràng buộc nếu cần thiết.
5.6. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng
Nội dung hợp đồng nên nêu rõ các thông tin về điều kiện vi phạm cũng như bồi thường thiệt hại khi xảy ra vi phạm hợp đồng. Căn cứ vào Điều 301, Luật Thương mại 2005, mức bồi thường vi phạm không quá 8% giá trị nghĩa vụ hợp đồng và việc thực hiện phạt này chỉ được phép khi nội dung trong hợp đồng quy định.
5.7. Phương thức giải quyết tranh chấp
Các bên giao kết hợp đồng điện tử nên thỏa thuận cách giải quyết tranh chấp nếu xảy ra như Tòa án hoặc Trọng tài. Với trường hợp về hợp đồng quốc tế, các bên tham gia cần thỏa thuận tuân theo sự điều chỉnh của luật tại quốc gia nào để tránh những điều chỉnh gây rắc rối.
Ngoài việc thể hiện đầy đủ các nội dung tương tự như hợp đồng truyền thống thông thường, hợp đồng thương mại điện tử nên có thêm các thỏa thuận liên quan đến:
- Yêu cầu về kỹ thuật trong giao kết hợp đồng.
- Chứng thực về chữ ký điện tử tuân thủ theo quy định pháp luật.
- Các điều kiện liên quan bảo đảm hợp đồng có tính toàn vẹn và bảo mật.
6. Quy trình giao kết hợp đồng thương mại điện tử
Giao kết hợp đồng thương mại điện tử tương đối giống với quy trình giao kết hợp đồng điện tử. Cụ thể, việc giao kết bao gồm các bước:
Bước 1: Tạo /Upload hợp đồng
Bên đề nghị giao kết thực hiện thiết lập hợp đồng điện tử bằng việc đăng nhập vào hệ thống tạo lập hợp đồng điện tử để tạo hợp đồng gồm đầy đủ các điều khoản, quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan.
Bước 2: Thiết kế luồng xem và ký các bên liên quan
Trong quá trình tạo lập hợp đồng thương mại điện tử, bên đề nghị sẽ xác định rõ về luồng ký, vị trí ký, chủ thể ký, vai trò chủ thể và yêu cầu ký trên hợp đồng. Sau đó, bên đề nghị sẽ ký vào vị trí chữ ký của mình. Hệ thống hợp đồng thương mại điện tử sẽ tạo luồng ký tự động và gửi hợp đồng thương mại điện tử cho (các) bên còn lại.
Bước 3: Thông báo các bên liên quan
Hệ thống hợp đồng điện tử sẽ gửi thông báo về hợp đồng đến bên nhận đề xuất thông qua email. Bên nhận đề xuất ký kết hợp đồng thương mại điện tử sẽ truy cập vào hợp đồng và đọc các điều khoản, thông tin, nghĩa vụ liên quan.
Bước 4: Ký số ngay trên máy tính, điện thoại
Sau khi đã đồng ý với các nội dung trên hợp đồng, bên nhận đề xuất ký kết hợp đồng thương mại điện tử thực hiện ký số ngay trên điện thoại, máy tính ở mọi nơi, mọi lúc.
Bước 5: Gửi tới đối tác, hoàn tất và lưu trữ hợp đồng
Sau khi các bên đã ký kết hợp đồng, hợp đồng thương mại điện tử sẽ được thiết lập thành công. Lúc này, thông báo hoàn tất ký hợp đồng sẽ được hệ thống gửi cho tất cả các bên. Hợp đồng thương mại điện tử sau khi ký kết được hệ thống lưu trữ và mã hóa.
Lúc này, hợp đồng bắt đầu có hiệu lực và các bên cần thực hiện nghĩa vụ theo quy định trong hợp đồng.
>> Xem thêm: Hợp đồng bảo hiểm điện tử là gì? Những thông tin cần biết
7. Thực trạng hợp đồng thương mại điện tử
Thực trạng việc áp dụng hợp đồng thương mại điện tử tại Việt Nam đã và đang ngày càng cải thiện, phổ biến hơn, tiêu biểu như:
- Hạ tầng chuẩn bị cho hợp đồng thương mại điện tử và nguồn nhân lực ngày càng cải thiện hơn. Cụ thể, theo thống kê trong Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2017 của Bộ Công thương, hầu hết các doanh nghiệp tham gia khảo sát (chiếm 99%) đều có trang bị máy tính PC và laptop. Ngoài ra, 61% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ có trang bị thêm các thiết bị thông minh như điện thoại và máy tính bảng.
- Việc lựa chọn ký kết hợp đồng bằng phương tiện điện tử ngày càng phổ biến hơn. Điều này thể hiện ở việc tỷ lệ sử dụng email của lao động trong doanh nghiệp tăng lên (từ 39% năm 2015 lên 50% năm 2017 – trong 45% doanh nghiệp khảo sát) và 10% lao động sử dụng email với tần suất thường xuyên hơn. Điều này cho thấy xu hướng sử dụng email trong kinh doanh ngày càng tăng.
- Các hợp đồng thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp phần lớn ở dạng đơn đặt hàng qua email. Năm 2016, hầu hết các đơn vị đặt hàng thông qua email (84%). Tuy nhiên, hiện tại nhiều doanh nghiệp đã hướng đến sử dụng hợp đồng điện tử.
- Các doanh nghiệp đã tập trung hơn vào giao dịch thương mại điện tử. Cụ thể, ngoài xây dựng website, các đơn vị này đã chú trọng hơn trong việc cập nhật thông tin lên website.
- Một số phương thức giao kết hợp đồng thương mại điện tử (khác email) mới bắt đầu phát triển. Tiêu biểu là việc doanh nghiệp hướng tới phát triển website tương thích với nền tảng di động, tăng ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động.
- Các giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng phổ biến hơn. Tỷ lệ người dùng truy cập vào website thương mại điện tử lên đến 43% tổng người dùng internet.
- Các giao dịch giữa Chính phủ và doanh nghiệp thông qua dịch vụ công phổ biến hơn. Tính đến năm 2016, có tới 75% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến và xu hướng này tăng lên hàng năm.
Thông qua những thực trạng kể trên, có thể thấy tình hình thực hiện hợp đồng thương mại điện tử đang diễn ra phổ biến với chủ thể giao dịch đa dạng (người tiêu dùng, doanh nghiệp và Chính phủ).
>> Có thể bạn cũng quan tâm: Thực trạng sử dụng hợp đồng điện tử hiện nay tại Việt Nam
8. Tranh chấp thường gặp đối với hợp đồng thương mại điện tử
Tranh chấp trong hợp đồng thương mại điện tử thường xảy ra khi hợp đồng không dựa trên nguyên tắc thỏa thuận tự nguyện, đồng nghĩa với việc chỉ một bên có quyền định đoạt lợi ích và quyền lợi của bên khác. Ngoài ra, tranh chấp xảy ra khi một hoặc nhiều bên vi phạm nguyên tắc bình đẳng, hòa thuận hay vi phạm lợi ích của bên khác.
8.1. Các tranh chấp thường gặp
Các tranh chấp thường gặp trong hợp đồng thương mại điện tử được phân loại theo nhiều cách:
- Theo phạm vi lãnh thổ: tranh chấp hợp đồng thương mại điện tử trong nước và quốc tế.
- Theo số lượng các bên tranh chấp: tranh chấp thương mại điện tử hai bên và nhiều bên.
- Theo lĩnh vực tranh chấp: tranh chấp hợp đồng thương mại điện tử liên quan đến hợp đồng, đầu tư, sản phẩm, sở hữu trí tuệ…
- Theo quá trình thực hiện: tranh chấp hợp đồng thương mại điện tử trong quá trình đàm phán, soạn thảo, ký kết và thực hiện hợp đồng.
- Theo thời điểm phát sinh tranh chấp: tranh chấp hợp đồng thương mại điện tử hiện tại và trong tương lai.
8.2. Hướng xử lý khi xảy ra tranh chấp
Theo quy định pháp luật, xử lý khi tranh chấp hợp đồng thương mại điện tử xảy ra bao gồm 4 hướng:
- Thương lượng: Các bên cùng nhau dàn xếp, bàn bạc để tháo gỡ bất đồng và loại bỏ tranh chấp.
- Hòa giải: Nhờ vào bên thứ 3 trung gian để hòa giải thông qua việc thuyết phục, hỗ trợ các bên tìm kiếm giải pháp nhằm loại bỏ tranh chấp.
- Trọng tài thương mại: Thông qua Trọng tài viên và kết quả cuối cùng theo phán quyết của Trọng tài, các bên buộc thực hiện.
- Tòa án: Tại cơ quan xét xử theo quy định nhà nước, được tòa án thực hiện theo trình tự đảm bảo sự nghiêm ngặt và chặt chẽ.
8.3. Quy định về chấm dứt hợp đồng thương mại điện tử
Chấm dứt hợp đồng thương mại điện tử là sự thỏa thuận của các bên tham gia hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định pháp luật. Ngoài ra, quy định về chấm dứt hợp đồng dịch vụ thương mại điện tử và các dịch vụ trực tuyến được thể hiện tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử:
Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và trực tuyến cần cung cấp công cụ gửi thông báo chấm dứt hợp đồng khi khách hàng hết nhu cầu sử dụng. Công cụ này cần cho phép khách hàng lưu trữ và hiển thị thông tin hợp đồng, phản hồi để khách hàng biết thông báo chấm dứt hợp đồng của họ đã được gửi.
Xem thêm: Các quy định về hợp đồng điện tử khác mà doanh nghiệp cần quan tâm
Hợp đồng thương mại điện tử đã và đang thể hiện được tính tiện lợi ngày một rõ trong hoạt động thương mại, được dự đoán là xu hướng tất yếu trong tương lai. Hiểu được điều này, VNPT cung cấp dịch vụ VNPT eContract – giải pháp hỗ trợ các đơn vị kinh doanh ứng dụng ký số trong thực hiện ký kết hợp đồng thương mại điện tử. VNPT eContract giúp hỗ trợ hoạt động thỏa thuận mua – bán đơn giản hơn, tăng tính cạnh tranh và bứt phá cho doanh nghiệp.
Để được giải đáp những thắc mắc và vấn đề liên quan, quý khách vui lòng liên hệ theo những cách dưới đây:
- Website: https://onesme.vn
- Hotline: 1800 1260
- Email: onesme@vnpt.vn
- Tư vấn miễn phí: https://bit.ly/oneSME_ContactUs