Tổng hợp các quy định về hợp đồng điện tử theo pháp luật cần nắm rõ

Trang chủTin tức - Sự kiệnTổng hợp các quy định về hợp đồng điện tử theo pháp luật cần nắm rõ

Hiện nay, khung pháp lý điều chỉnh phương thức giao kết hợp đồng điện tử khá đầy đủ và toàn diện. Do đó, doanh nghiệp không còn phải quá lo ngại về giá trị pháp lý cũng như việc ký kết và thực hiện hợp đồng điện tử. Bài viết dưới đây là tổng hợp các quy định về hợp đồng điện tử mà doanh nghiệp cần nắm rõ để tránh mắc lỗi khi tiến hành các giao dịch kinh doanh. 

Nội dung quy định Cơ sở pháp lý
Định nghĩa hợp đồng điện tử
Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử
Lĩnh vực áp dụng hợp đồng điện tử
Nội dung được nêu trong hợp đồng điện tử Điều 398 Bộ luật dân sự 2015
Giao kết hợp đồng điện tử Điều 17, 19, 20, 35, 36 Luật giao dịch điện tử năm 2005
Bảo mật thông tin trong hợp đồng điện tử Điều 44, 45, 46 Luật giao dịch điện tử năm 2005
Giải quyết tranh chấp trong giao dịch hợp đồng điện tử Điều 50, 51, 52 Luật giao dịch điện tử năm 2005
pháp lý hợp đồng điện tử
Pháp luật Việt Nam ban hành các quy định về hợp đồng điện tử rất toàn diện

1. Định nghĩa hợp đồng điện tử theo luật

Hợp đồng điện tử được định nghĩa rõ ràng và cụ thể trong Luật mẫu của Ủy ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế về thương mại điện tử năm 1996. Cụ thể, tại Điều 11 Mục 1 của Luật này quy định:

Article 11. Formation and validity of contracts

(1) In the context of contract formation, unless otherwise agreed by the parties, an offer and the acceptance of an offer may be expressed by means of data messages. Where a data message is used in the formation of a contract, that contract shall not be denied validity or enforceability on the sole ground that a data message was used for that purpose.

Theo đó, hợp đồng điện tử được hình thành, có giá trị và hiệu lực thi hành thông qua việc sử dụng thông điệp dữ liệu. Hoặc có thể hiểu đơn giản, hợp đồng điện tử là một thỏa thuận được soạn thảo, đàm phán và thực hiện bằng cách sử dụng các phương tiện điện tử. Hợp đồng điện tử được mô hình hóa, triển khai và thông qua một hệ thống phần mềm với sự tham gia của ít nhất 3 chủ thể: bên bán, bên mua và nhà cung cấp dịch vụ mạng. 

Trên cơ sở kế thừa hầu hết các quy định trong Luật mẫu về Thương mại điện tử UNCITRAL năm 1996, Luật giao dịch điện tử của Việt Nam năm 2005 cũng định nghĩa tương tự về hợp đồng điện tử. Cụ thể, tại Điều 33 của Luật này quy định:

“Điều 33. Hợp đồng điện tử

Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của Luật này.”

Như vậy, hợp đồng điện tử được định nghĩa theo quy định của pháp luật là loại hợp đồng được thiết lập, gửi nhận và lưu trữ bằng các phương tiện điện tử. Đây là những phương tiện sử dụng công nghệ điện hoặc cơ điện để người dùng có thể truy cập nội dung và xác nhận giao kết hợp đồng. Hình thức xác lập này hoàn toàn khác biệt so với hợp đồng truyền thống (được hình thành thông qua lời nói, hành vi hoặc văn bản giấy tờ).

ký hợp đồng điện tử
Hợp đồng điện tử được thiết lập thông qua các phương tiện điện tử

2. Quy định về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử

Pháp luật công nhận giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử tương tự như hợp đồng truyền thống. Vấn đề này được đề cập rõ ràng trong Luật giao dịch điện tử 2005. Cụ thể, tại Điều 34 của Luật này quy định:

Điều 34. Thừa nhận giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử

Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu.”

Hay nói cách khác, không vì lý do hợp đồng được tạo ra, được giao kết và được lưu trữ thông qua các phương tiện điện tử mà bị chối bỏ hiệu lực pháp lý. Mặt khác, tại Điều 11 của Luật này cũng đã khẳng định tính không bị phủ nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu: 

Điều 11. Giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu

Thông tin trong thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì thông tin đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu.”

Bên cạnh đó, Điều 12 của Luật giao dịch điện tử đã xác nhận thông điệp dữ liệu có giá trị pháp lý tương tự như văn bản:

Điều 12. Thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản

Trường hợp pháp luật yêu cầu thông tin phải được thể hiện bằng văn bản thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu này nếu thông tin chứa trong thông điệp dữ liệu đó có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu khi cần thiết.”

Trên cơ sở này có thể hiểu rằng, nội dung và hình thức hợp đồng được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản nếu đáp ứng đủ hai điều kiện: có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu. 

Đồng thời, thông điệp dữ liệu được xem là có giá trị như bản gốc khi đáp ứng một số điều kiện nhất định. Trong trường hợp áp dụng hợp đồng điện tử có thể hiểu rằng, hợp đồng được xác lập và giao kết bằng phương tiện điện tử sẽ có hiệu lực, có giá trị như văn bản được hoàn chỉnh đã có chữ ký xác thực từ các bên tham gia. Vấn đề này được quy định cụ thể tại Điều 13 của Luật giao dịch điện tử 2015:

“Điều 13. Thông điệp dữ liệu có giá trị như bản gốc

Thông điệp dữ liệu có giá trị như bản gốc khi đáp ứng được các điều kiện sau đây:

1. Nội dung của thông điệp dữ liệu được bảo đảm toàn vẹn kể từ khi được khởi tạo lần đầu tiên dưới dạng một thông điệp dữ liệu hoàn chỉnh.

Nội dung của thông điệp dữ liệu được xem là toàn vẹn khi nội dung đó chưa bị thay đổi, trừ những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình gửi, lưu trữ hoặc hiển thị thông điệp dữ liệu;

2. Nội dung của thông điệp dữ liệu có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết.”

Theo đó, các điều kiện mà thông điệp dữ liệu trong hợp đồng điện tử cần đáp ứng để có giá trị như bản gốc đó là:

  • Nội dung của thông điệp dữ liệu phải đảm bảo chắc chắn về tính toàn vẹn. Tiêu chí để đánh giá tính toàn vẹn là thông tin đầy đủ, không bị thay đổi ngoại. Ngoại trừ những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình giao tiếp, lưu trữ, hiển thị văn bản điện tử.
  • Thông tin chứa trong hợp đồng điện tử có thể truy cập và sử dụng được ở dạng hoàn chỉnh khi cần thiết.

Ngoài ra, các bên hoàn toàn có thể yên tâm khi thông điệp dữ liệu được thể hiện trong hợp đồng điện tử có giá trị làm chứng khi xảy ra tranh chấp. Cụ thể, tại Điều 14 của Luật này quy định:

“Điều 14. Thông điệp dữ liệu có giá trị làm chứng cứ

1. Thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu.

2. Giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.”

Như vậy, thông điệp dữ liệu trong hợp đồng điện tử có giá trị làm chứng cứ khi chứng minh thỏa mãn được các yếu tố:

  • Cách thức khởi tạo, truyền gửi và lưu trữ thông điệp dữ liệu có độ tin cậy cao.
  • Thông điệp dữ liệu được đảm bảo và duy trì tính toàn vẹn, không bị thay đổi kể từ thời điểm khởi tạo, trừ trường hợp ngoại lệ về hình thức. 
  • Xác định chính xác bên khởi tạo thông điệp dữ liệu và các yếu tố khác. 

Có thể thấy, Luật giao dịch điện tử 2005 có rất nhiều điều khoản quy định về vấn đề xác nhận giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử. Tuy nhiên, làm thế nào để chứng minh giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử? Thực tế, vấn đề này đã được giải đáp dựa trên cơ sở pháp lý tại Điều 9 Nghị định 52/2013/ NĐ-CP về Thương mại điện tử: 

Điều 9. Giá trị pháp lý như bản gốc

1. Chứng từ điện tử trong giao dịch thương mại có giá trị pháp lý như bản gốc nếu đáp ứng cả hai điều kiện sau:

a) Có sự bảo đảm đủ tin cậy về tính toàn vẹn của thông tin chứa trong chứng từ điện tử từ thời điểm thông tin được khởi tạo lần đầu tiên dưới dạng chứng từ điện tử;

b) Thông tin chứa trong chứng từ điện tử có thể truy cập, sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết.”

Theo đó, hợp đồng điện tử có giá trị pháp lý như bản gốc khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện:

  • Có sự đảm bảo chắc chắn về tính toàn vẹn của thông tin trong hợp đồng điện tử kể từ thời điểm khởi tại dưới dạng tài liệu điện tử. 
  • Thông tin chứa trong hợp đồng điện tử có thể truy cập và sử dụng được ở dạng hoàn chỉnh khi cần thiết. 

Một trong những tiêu chí để xác định tính toàn vẹn cũng như độ tin cậy của hợp đồng điện tử là thông qua chữ ký số. Theo đó, chữ ký số sử dụng trong hợp đồng điện tử phải do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số được cấp phép. Việc chứng minh đáp ứng các điều kiện này hoàn toàn không quá khó khăn đối với doanh nghiệp. 

chữ ký điện tử
Pháp luật công nhận giá trị pháp lý và hiệu lực của hợp đồng điện tử

>> Có thể bạn cũng quan tâm: Hợp đồng điện tử có hiệu lực khi nào?

3. Quy định về lĩnh vực áp dụng hợp đồng điện tử

Hợp đồng điện tử chỉ được áp dụng và có giá trị pháp lý trong một số lĩnh vực nhất định. Theo đó, quy định tại Điều 1 Luật Giao dịch điện tử 2005 nêu rõ các lĩnh vực không sử dụng hình thức giao kết hợp đồng điện tử:

“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định.

Các quy định của Luật này không áp dụng đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác.”

Căn cứ vào quy định này có thể liệt kê những lĩnh vực loại không áp dụng phương thức giao dịch điện tử, đó là:

  • Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các bất động sản khác.
  • Xác lập văn bản về thừa kế.
  • Cấp giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn.
  • Cấp giấy khai sinh, giấy khai tử.
  • Xác lập hối phiếu và các giấy tờ có giá khác. 

Các giao kết trong những lĩnh vực này bắt buộc phải được lập thành văn bản, có chữ ký xác thực bằng tay của các bên và phải được thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực hoặc đăng ký trực tiếp. Vấn đề này được quy định rõ ràng tại một số điều luật điển hình sau:

Theo Điều 121, Điều 122 của Luật Nhà ở, hợp đồng về nhà ở theo sự thỏa thuận của các bên có hiệu lực pháp lý phải đảm bảo các điều kiện sau:

  • Phải được lập thành văn bản.
  • Có công chứng hoặc chứng thực, trừ một số trường hợp pháp luật quy định khác (Chẳng hạn như chỉ cần chữ ký tay xác nhận giữa các bên).
Điều 121. Hợp đồng về nhà ở

Hợp đồng về nhà ở do các bên thỏa thuận và phải được lập thành văn bản bao gồm các nội dung sau đây:

11. Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên, nếu là tổ chức thì phải đóng dấu (nếu có) và ghi rõ chức vụ của người ký.”

Điều 122. Công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở

1. Trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực hợp đồng.

2. Đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.

Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng.

3. Văn bản thừa kế nhà ở được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự.

4. Việc công chứng hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng; việc chứng thực hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà ở.”

Ngoài ra, tại khoản 18 Điều 4 Luật Các công cụ chuyển nhượng năm 2005 cũng quy định rõ ràng về hình thức chữ ký đối trên công cụ chuyển nhượng. Đó phải là chữ ký bằng tay trực tiếp và kèm theo việc đóng dấu (trong một số trường hợp). 

Điều 4. Giải thích từ ngữ

18. Chữ ký là chữ ký bằng tay trực tiếp trên công cụ chuyển nhượng của người có quyền và nghĩa vụ đối với công cụ chuyển nhượng hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật. Chữ ký của người đại diện của tổ chức trên công cụ chuyển nhượng phải kèm theo việc đóng dấu.”

Như vậy, hợp đồng điện tử không được áp dụng cho tất cả các lĩnh vực. Điển hình như hợp đồng mua bán bất động sản, hối phiếu, văn bản thừa kế… sẽ không có hiệu lực nếu xác lập bằng hợp đồng điện tử. Do đó, các chủ thể khi sử dụng và giao kết hợp đồng điện tử cần tìm hiểu đầy đủ các thông tin pháp lý để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra (hợp đồng bị vô hiệu, không được công nhận).

hình vẽ mô phỏng hợp đồng điện tử
Hợp đồng điện tử được áp dụng trong một số lĩnh vực nhất định

4. Quy định về nội dung được nêu trong hợp đồng điện tử

Luật giao dịch điện tử 2005 không có điều khoản quy định riêng về nội dung của hợp đồng điện tử. Thực tế, nội dung được nêu trong hợp đồng điện tử sẽ dựa trên cơ sở pháp lý tại Bộ luật dân sự 2015, hoàn toàn tương tự như hợp đồng truyền thống. Cụ thể, tại Điều 389 của Bộ luật này quy định:

“Điều 398. Nội dung của hợp đồng

1. Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng.

2. Hợp đồng có thể có các nội dung sau đây:

a) Đối tượng của hợp đồng;

b) Số lượng, chất lượng;

c) Giá, phương thức thanh toán;

d) Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;

đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên;

e) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

g) Phương thức giải quyết tranh chấp.”

Tuy nhiên, hợp đồng điện tử có sự khác biệt với hợp đồng truyền thống là được xác lập, giao kết và thực hiện thông qua các phương tiện điện tử. Do đó, ngoài những nội dung trên, hợp đồng điện tử thường sẽ có thêm một số nội dung sau: 

  • Địa chỉ pháp lý: Hợp đồng điện tử cần đảm bảo đầy đủ các thông tin về địa chỉ nhận, gửi thông điệp dữ liệu (email, website…).
  • Nội dung về hình thức thanh toán điện tử: Thỏa thuận giữa các bên về hình thức thanh toán hợp đồng (thẻ tín dụng, ví điện tử…).
  • Điều khoản về phương thức xác lập hợp đồng: Các bên xác định và thỏa thuận phương thức làm phát sinh hiệu lực của hợp đồng (chữ ký số, chữ ký hình ảnh…).
hợp đồng điện tử trên tablet
Nội dung được nêu trong hợp đồng điện tử tương tự như hợp đồng truyền thống

5. Quy định về giao kết hợp đồng điện tử

Hợp đồng điện tử sẽ phát sinh hiệu lực khi các bên tiến hành giao kết tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật. Trước hết, pháp luật quy định rõ ràng về thời điểm và địa điểm gửi, nhận khi giao kết hợp đồng điện tử. Cụ thể, tại Điều 17 và Điều 19 Luật Giao dịch điện tử 2005 nêu rõ: 

Điều 17. Thời điểm, địa điểm gửi thông điệp dữ liệu

Trong trường hợp các bên tham gia giao dịch không có thỏa thuận khác thì thời điểm, địa điểm gửi thông điệp dữ liệu được quy định như sau:

1. Thời điểm gửi một thông điệp dữ liệu là thời điểm thông điệp dữ liệu này nhập vào hệ thống thông tin nằm ngoài sự kiểm soát của người khởi tạo;

2. Địa điểm gửi thông điệp dữ liệu là trụ sở của người khởi tạo nếu người khởi tạo là cơ quan, tổ chức hoặc nơi cư trú của người khởi tạo nếu người khởi tạo là cá nhân. Trường hợp người khởi tạo có nhiều trụ sở thì địa điểm gửi thông điệp dữ liệu là trụ sở có mối liên hệ mật thiết nhất với giao dịch.”

“Điều 19. Thời điểm, địa điểm nhận thông điệp dữ liệu

Trong trường hợp các bên tham gia giao dịch không có thỏa thuận khác thì thời điểm, địa điểm nhận thông điệp dữ liệu được quy định như sau:

1. Trường hợp người nhận đã chỉ định một hệ thống thông tin để nhận thông điệp dữ liệu thì thời điểm nhận là thời điểm thông điệp dữ liệu nhập vào hệ thống thông tin được chỉ định; nếu người nhận không chỉ định một hệ thống thông tin để nhận thông điệp dữ liệu thì thời điểm nhận thông điệp dữ liệu là thời điểm thông điệp dữ liệu đó nhập vào bất kỳ hệ thống thông tin nào của người nhận;

2. Địa điểm nhận thông điệp dữ liệu là trụ sở của người nhận nếu người nhận là cơ quan, tổ chức hoặc nơi cư trú thường xuyên của người nhận nếu người nhận là cá nhân. Trường hợp người nhận có nhiều trụ sở thì địa điểm nhận thông điệp dữ liệu là trụ sở có mối liên hệ mật thiết nhất với giao dịch.”

Theo đó, thời điểm, địa điểm gửi và nhận thông điệp dữ liệu trong trường hợp các bên tham gia hợp đồng điện tử không có thỏa thuận sẽ được xác định như sau:

Thời điểm Địa điểm
Gửi thông điệp dữ liệu Là thời điểm thông điệp dữ liệu nhập vào hệ thống thông tin khác, không nằm trong sự kiểm soát của người khởi tạo.  – Người khởi tạo là cơ quan, tổ chức: Địa điểm gửi thông điệp dữ liệu là trụ sở của người khởi tạo (Trụ sở có mối liên hệ mật thiết nhất với giao dịch).

– Người khởi tạo là cá nhân: Địa điểm gửi thông điệp  là nơi cư trú của người khởi tạo 

Nhận thông điệp dữ liệu Trường hợp 1: Người nhận chỉ định hệ thống thông tin

Thời điểm nhận được tính là thời điểm hệ thống thông tin mà người nhận chỉ định nhận được thông điệp dữ liệu

Trường hợp 2: Người nhận không chỉ định một hệ thống thông tin nhận

Thời điểm nhận tính từ thời điểm thông điệp dữ liệu được nhập vào bất kỳ hệ thống thông tin nào của người nhận. 

– Người khởi tạo là cơ quan, tổ chức: Địa điểm nhận thông điệp dữ liệu là trụ sở của người khởi tạo (Trụ sở có mối liên hệ mật thiết nhất với giao dịch).

– Người khởi tạo là cá nhân: Địa điểm nhận thông điệp dữ liệu là nơi cư trú thường xuyên của người khởi tạo 

Khi tiến hành giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, các bên cần phải tuân thủ các nguyên tắc được quy định tại Điều 35 Luật Giao dịch điện tử năm 2005:

Điều 35. Nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử

1. Các bên tham gia có quyền thỏa thuận sử dụng phương tiện điện tử trong giao kết và thực hiện hợp đồng.

2. Việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử phải tuân thủ các quy định của Luật này và pháp luật về hợp đồng.

3. Khi giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, các bên có quyền thỏa thuận về yêu cầu kỹ thuật, chứng thực, các điều kiện bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật có liên quan đến hợp đồng điện tử đó.”

Bên cạnh đó, tại Điều 36 của Luật Giao dịch điện tử 2005 cũng giải thích rõ về vấn đề giao kết hợp đồng điện tử. Theo đó, khi giao kết hợp đồng điện tử, một phần hoặc toàn bộ giao dịch giữa các bên sẽ được xác lập, gửi nhận và lưu trữ dưới dạng thông điệp dữ liệu. Trong trường hợp không có thỏa thuận khác, các bên cũng có thể sử dụng thông điệp dữ liệu để đề nghị cũng như chấp nhận giao kết hợp đồng. 

“Điều 36. Giao kết hợp đồng điện tử

1. Giao kết hợp đồng điện tử là việc sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng.

2. Trong giao kết hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận giao kết hợp đồng có thể được thực hiện thông qua thông điệp dữ liệu.”

Ngoài ra, để tránh gặp phải một số trường hợp rủi ro, các bên cần phải tìm hiểu và nắm rõ chi tiết các nguyên tắc và quy trình khi giao kết hợp đồng điện tử

giao kết hợp đồng điện tử
Giao kết hợp đồng điện tử cần tuân thủ theo đúng quy định pháp luật

6. Quy định về bảo mật thông tin trong hợp đồng điện tử

Xét về mặt pháp lý, hợp đồng điện tử có giá trị tương đương với hợp đồng truyền thống, liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên tham gia hợp đồng. Hơn hết, việc thiết lập hợp đồng thông qua các phương tiện điện tử mang tính rủi ro khá cao. Do đó, vấn đề bảo mật thông tin hợp đồng rất quan trọng. Luật giao dịch điện tử 2005 cũng quy định rất rõ ràng về vấn đề này. Cụ thể, tại Điều 44 Luật này đề cập đến việc bảo đảm an ninh, an toàn trong giao dịch điện tử:

Điều 44. Bảo đảm an ninh, an toàn trong giao dịch điện tử

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn phù hợp với quy định của pháp luật khi tiến hành giao dịch điện tử.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tiến hành giao dịch điện tử có trách nhiệm thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm sự hoạt động thông suốt của hệ thống thông tin thuộc quyền kiểm soát của mình; trường hợp gây ra lỗi kỹ thuật của hệ thống thông tin làm thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được thực hiện bất kỳ hành vi nào nhằm cản trở hoặc gây phương hại đến việc bảo đảm an ninh, an toàn trong giao dịch điện tử.”

Theo đó, khi doanh nghiệp lựa chọn hình thức giao kết hợp đồng điện tử sẽ có quyền và trách nhiệm trong việc bảo đảm an ninh, an toàn trong giao dịch điện. Một trong các bên sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật trong trường hợp:

  • Không thực hiện đúng trách nhiệm bảo đảm sự hoạt động ổn định và thông suốt của hệ thống thông tin do mình kiểm soát, gây ra lỗi kỹ thuật gây thiệt hại.
  • Có hành vi cản trở hoặc gây phương hại trong việc bảo đảm an ninh, an toàn trong giao dịch điện tử. 

Bên cạnh đó, các bên tham gia hợp đồng điện tử còn phải có trách nhiệm bảo vệ sự toàn vẹn thông điệp dữ liệu theo Điều 45 của Luật Giao dịch điện tử 2005. Điều này được hiểu là các bên phải đảm bảo thông tin trong hợp đồng điện tử được thể hiện đầy đủ, không bị thay đổi, chỉnh sửa trong suốt thời gian giao kết hợp đồng. 

“Điều 45. Bảo vệ thông điệp dữ liệu

Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được thực hiện bất kỳ hành vi nào gây phương hại đến sự toàn vẹn của thông điệp dữ liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.”

Ngoài ra, các bên còn có quyền và nghĩa vụ bảo mật thông tin trong giao kết hợp đồng điện tử theo Điều 46 của Luật này. Cụ thể, các bên có quyền lựa chọn biện pháp hợp pháp để bảo mật các thông tin khi tiến hành giao dịch. Đồng thời, mỗi bên phải có trách nhiệm bảo mật tuyệt đối và an toàn các thông tin của đối tác cùng tham gia trong hợp đồng điện tử. 

“Điều 46. Bảo mật thông tin trong giao dịch điện tử

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn các biện pháp bảo mật phù hợp với quy định của pháp luật khi tiến hành giao dịch điện tử.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng, cung cấp hoặc tiết lộ thông tin về bí mật đời tư hoặc thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà mình tiếp cận hoặc kiểm soát được trong giao dịch điện tử nếu không được sự đồng ý của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

ổ khóa và chìa khóa
Các bên có quyền và trách nhiệm trong việc bảo mật thông tin hợp đồng điện tử

7. Quy định về giải quyết tranh chấp

Luật Giao dịch điện tử 2005 cũng đề cập đến các điều khoản xử lý khi một trong các bên tham gia hợp đồng vi phạm pháp luật về giao dịch điện tử. Theo đó, tại Điều 50 của Luật này quy định hình thức xử lý đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm:

“Điều 50. Xử lý vi phạm pháp luật về giao dịch điện tử

1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về giao dịch điện tử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật trong giao dịch điện tử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”

Luật quy định, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm pháp luật về giao dịch điện tử mà có biện pháp xử lý tương ứng:

  • Đối với các nhân: Xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc hình thức xử lý nặng nhất là truy cứu trách nhiệm hình sự
  • Đối với cơ quan, tổ chức: Xử phạt hành chính hoặc có thể đỉnh chỉ hoạt động.

Trường hợp vi phạm có gây ra thiệt hại thì bên có lỗi phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các bên còn lại trong giao dịch điện tử theo quy định của pháp luật. 

gõ tay trên bàn phím laptop
Pháp luật quy định cụ thể các điều khoản xử lý vi phạm trong giao dịch điện tử

Trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, giữa các bên có thể sẽ xảy ra tranh chấp. Tranh chấp trong hợp đồng điện tử được hiểu là tranh chấp trong giao dịch điện tử, phát sinh trong quá trình thực hiện giao dịch bằng các phương tiện điện tử. Vấn đề này được quy định cụ thể tại Điều 51 của Luật Giao dịch điện tử 2005:

Điều 51. Tranh chấp trong giao dịch điện tử

Tranh chấp trong giao dịch điện tử là tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch bằng phương tiện điện tử.”

Khi xảy ra tranh chấp trong hợp đồng điện tử, pháp luật định hướng cách thức giải quyết tại Điều 52 Luật Giao dịch điện tử 2005. Cụ thể như sau:

  • Cách thức giải quyết tranh chấp được khuyến khích: Các bên có tranh chấp giải quyết bằng cách hòa giải, thương lượng.
  • Trong trường hợp không hòa giải, tranh chấp trong giao dịch điện tử sẽ được giải quyết theo thẩm quyền, trình tự, thủ tục luật định (Theo chương 6 của Nghị định 52/2013/NĐ-CP về Thương mại điện tử).
Điều 52. Giải quyết tranh chấp trong giao dịch điện tử

1. Nhà nước khuyến khích các bên có tranh chấp trong giao dịch điện tử giải quyết thông qua hòa giải.

2. Trong trường hợp các bên không hòa giải được thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp về giao dịch điện tử được thực hiện theo quy định của pháp luật.”

>> Xem thêm: Lưu ý về hợp đồng điện tử nước ngoài, doanh nghiệp phải biết khi giao dịch quốc tế

Nếu không nắm rõ các quy định về hợp đồng điện tử, doanh nghiệp sẽ rất dễ mắc phải lỗi khi giao kết hợp đồng điện tử, dẫn đến những tranh chấp không mong muốn. Do đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu và có sự thỏa thuận rõ ràng về các điều khoản liên quan khi giao kết hợp đồng điện tử. Đặc biệt là các điều khoản về thực hiện nghĩa vụ và xử lý khi vi phạm hợp đồng. 

Ngoài ra, doanh nghiệp nên lựa chọn sử dụng phần mềm hợp đồng điện tử VNPT e-Contract. Phần mềm e-Contract của VNPT tích hợp các tính năng ưu việt, giúp doanh nghiệp tạo lập hợp đồng đúng chuẩn với khả năng bảo mật cao, giảm thiểu rủi ro đến mức tối đa. Hơn hết, việc giao kết hợp đồng điện tử thông qua phần mềm VNPT e-Contract có thể rút ngắn 90% thời gian và tiết kiệm đến 85% chi phí trong các giao dịch kinh doanh. 

Khách hàng quan tâm đến dịch vụ phần mềm hợp đồng điện tử  VNPT e-Contract, vui lòng để lại bình luận hoặc liên hệ với chúng tôi qua một trong những cách sau để được tư vấn và hỗ trợ tận tình: 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN