Lợi ích của điện toán đám mây là gì? Có thực sự cần thiết cho doanh nghiệp?

Trang chủSản phẩmLợi ích của điện toán đám mây là gì? Có thực sự cần thiết cho doanh nghiệp?
Định nghĩa điện toán đám mây:

Điện toán đám mây là việc cung cấp các tài nguyên công nghệ thông tin (CNTT) qua internet theo dạng dịch vụ. Các tài nguyên bao gồm: máy chủ, dung lượng lưu trữ, cơ sở dữ liệu, kết nối mạng, phần mềm hoàn thiện, bộ công cụ cần thiết để phân tích dữ liệu hoặc xây dựng phần mềm,…

Người dùng có thể sử dụng những tài nguyên này bằng cách truy cập vào đám mây từ xa thông qua nhiều loại thiết bị, không cần phải có ổ cứng cục bộ, máy chủ vật lý và trung tâm dữ liệu riêng.

Mô hình điện toán đám mây gồm ba loại hình dịch vụ chủ yếu là SaaS, PaaS và IaaS, phản ánh các mức độ cung cấp tài nguyên khác nhau. 

So với giải pháp phần mềm tại chỗ truyền thống, lợi ích của điện toán đám mây thể hiện rõ rệt ở sự thuận tiện, linh hoạt, mức độ đáng tin cậy và đặc biệt là khả năng tiết kiệm chi phí. Vì vậy, dù mới chỉ ra mắt thị trường khoảng hai thập kỷ, nhưng các mô hình dịch vụ của điện toán đám mây ngày càng trở nên phổ biến, và được sử dụng rộng rãi tại rất nhiều tổ chức lẫn doanh nghiệp.

1. Tối ưu chi phí, không cần trả tiền cho tài nguyên không dùng

Hầu hết mọi dịch vụ điện toán đám mây đều triển khai chính sách thanh toán theo nguyên tắc “pay as you go”: Doanh nghiệp chỉ mất phí cho những tài nguyên thực sự có nhu cầu (dung lượng lưu trữ, số lượng hộp thư điện tử, số giờ thuê máy chủ ảo,…). Điều này có nghĩa là họ không phải trả tiền cho những thứ không cần dùng đến. 

Các giải pháp điện toán đám mây cũng không yêu cầu người dùng cam kết vĩnh viễn, mà có thể hủy sử dụng dịch vụ vào bất cứ thời điểm nào.

Bên cạnh đó, nhờ những tài nguyên sẵn có từ nền tảng đám mây, doanh nghiệp sẽ giảm thiểu nhiều khoản chi phí liên quan đến việc thiết lập cơ sở hạ tầng phần cứng, kho lưu trữ, mua máy chủ, thuê nhân sự có trình độ chuyên môn cao để quản lý, vận hành, bảo trì cơ sở hạ tầng,…

Ví dụ thực tế tại doanh nghiệp:

Cuối năm 2022, Microsoft đã ủy quyền cho Forrester Consulting tiến hành nghiên cứu tác động kinh tế và sự thay đổi lợi tức đầu tư (ROI) tiềm năng, thực hiện với hơn 79 doanh nghiệp triển khai bộ giải pháp Microsoft 365 E3.2 (dựa trên mô hình SaaS – phần mềm như một dịch vụ).

Kết quả cho thấy, trong vòng 3 năm, việc doanh nghiệp sử dụng Microsoft 365 – thay vì các phiên bản Microsoft Office kết hợp với cơ sở dữ liệu tại chỗ – đã tiết kiệm chi phí đầu tư phần mềm hỗ trợ làm việc tới 1586 đô la/nhân viên, tương đương với tỷ lệ giảm trung bình 60% cho mỗi người dùng.

Ngoài ra còn có số liệu thống kê các tác động tích cực khác của Microsoft 365 (Teams, OneDrive, SharePoint và các ứng dụng khác) đối với việc cắt giảm chi tiêu và thúc đẩy các chỉ số tăng trưởng của doanh nghiệp:

Nghiên cứu của Forrester Consulting chỉ ra lợi ích của bộ giải pháp SaaS Microsoft 365 đối với việc tối ưu chi phí cho doanh nghiệp.
Nghiên cứu của Forrester Consulting chỉ ra lợi ích của bộ giải pháp SaaS Microsoft 365 đối với việc tối ưu chi phí cho doanh nghiệp.

Như vậy, nhờ điện toán đám mây, các doanh nghiệp có thể thực hiện công cuộc chuyển đổi số mà không cần e ngại về chi phí quá đắt đỏ như cơ sở hạ tầng tại chỗ. 

Khám phá:

2. Hỗ trợ đánh giá thị trường và nâng cao hiệu quả kinh doanh

Trong một hệ thống làm việc dựa trên điện toán đám mây, các công cụ tự động như: sàng lọc, đánh giá, phân tích thông tin, xây dựng báo cáo… có thể liên kết với nhau thông qua API tích hợp để cung cấp cái nhìn toàn cảnh và sâu sát về mọi dữ liệu kinh doanh. 

Doanh nghiệp dễ dàng trích xuất dữ liệu từ hệ thống hiện có để nhanh chóng đưa ra các quyết định đúng đắn giúp cải thiện chất lượng dịch vụ, thu hút khách hàng và phát triển kinh doanh.

Nhìn chung, phân tích dữ liệu dựa trên điện toán đám mây là công việc có thể triển khai nhanh chóng và dễ dàng. Đặc biệt là các số liệu, hành vi được cập nhật thường xuyên, chính xác và nhất quán. 

Trong khi đó, việc ứng dụng các giải pháp phần mềm tại chỗ thường yêu cầu nhiều đầu việc thủ công hơn, và có thể gây khó khăn trong quá trình hợp tác giữa nhiều bộ phận bởi các nhân viên có thể sơ suất lưu nhiều phiên bản tài liệu khác nhau, dẫn đến sự nhầm lẫn và không đồng nhất về dữ liệu.  

3. Dễ dàng mở rộng, thu hẹp hệ thống khi nhu cầu thay đổi

Lợi ích của điện toán đám mây còn thể hiện ở sự linh hoạt, khả năng mở rộng hoặc thu hẹp quy mô dễ dàng. Khi doanh nghiệp có nhu cầu cần bổ sung thêm hoặc cắt bớt số máy chủ, dung lượng lưu trữ hay băng thông,… các dịch vụ đám mây có thể đáp ứng ngay lập tức, giúp doanh nghiệp giải quyết các vấn đề kinh doanh một cách tức thời, không bị gián đoạn hoạt động. 

Ông Trần Nhất Minh – Phó TGĐ kiêm GĐ khối Dịch vụ Công nghệ của ngân hàng VIB cho biết: Khi cần thêm dung lượng lưu trữ, trước đây phải mất từ vài tháng đến một năm để mua và cài đặt máy chủ mới cho hệ thống tại chỗ. Hiện tại, với điện toán đám mây, chỉ cần gõ và khởi chạy một dòng mã, nhu cầu sẽ được đáp ứng ngay lập tức hoặc chậm nhất chỉ mất khoảng hai tuần.

Xem thêm: Ưu nhược điểm khi ứng dụng điện toán đám mây trong ngân hàng

Lợi ích của điện toán đám mây là có thể tùy chỉnh quy mô nhanh chóng theo nhu cầu của doanh nghiệp 
Lợi ích của điện toán đám mây là có thể tùy chỉnh quy mô nhanh chóng theo nhu cầu của doanh nghiệp

Ví dụ thực tế tại doanh nghiệp:

Nhà cung cấp dịch vụ phát phim ảnh trực tuyến Netflix (mô hình SaaS) là một trong những khách hàng lớn của nền tảng đám mây Amazon Web Services. Vào những ngày nghỉ, ngày lễ, Tết trong năm, ứng dụng này thường đón nhận lượng truy cập đông đảo hơn mức bình thường. 

Nhờ có dịch vụ Amazon EC2 Auto Scaling (theo mô hình IaaS) hỗ trợ điều chỉnh quy mô tự động, Netflix có thể đáp ứng ngay mọi nhu cầu tăng đột ngột về năng lực điện toán, dung lượng lưu trữ và số máy chủ cần thiết… đảm bảo dịch vụ phát phim ảnh tiếp tục khả dụng cho người dùng mà không bị gián đoạn. Ở các thời điểm khác trong ngày khi lượng truy cập về mức ổn định hoặc giảm thấp, quy mô nền tảng đám mây lưu trữ của Netflix sẽ tự động thu hẹp về mức phù hợp.

Netflix tối ưu chi phí nhờ sử dụng công cụ tự động co giãn quy mô nền tảng khi cần thiết.
Netflix tối ưu chi phí nhờ sử dụng công cụ tự động co giãn quy mô nền tảng khi cần thiết.

Ngược lại, cơ sở hạ tầng tại chỗ khó mà xử lý lưu lượng truy cập tăng nhanh chóng, dễ dẫn đến thời gian chết. Nhất là đối với doanh nghiệp kinh doanh những loại hình dịch vụ có xu hướng đột biến tăng nhu cầu theo mùa vụ, hoặc thường xuyên phải phát hành sản phẩm mới… việc duy trì sẵn một lượng máy chủ vật lý dự phòng có thể đội gấp đôi chi phí tài nguyên phần cứng.

Trong khi vào những thời điểm vắng vẻ khác trong năm, số máy chủ bổ sung này sẽ dư thừa và không dùng đến, nhưng doanh nghiệp vẫn phải tốn phí vận hành, bảo trì, nâng cấp. 

4. Bảo mật dữ liệu nâng cao, bảo vệ doanh nghiệp khỏi rủi ro số hóa

Để có khả năng phòng chống mã độc và các thủ đoạn phạm tội tinh vi nhất trên không gian mạng, công nghệ bảo mật của các dịch vụ đám mây liên tục được nâng cấp ở mọi mặt bao gồm:

  • Kiểm soát truy cập.
  • Giám sát an ninh 24/7 theo thời gian thực.
  • Chủ động phát hiện mối đe dọa.
  • Mã hóa dữ liệu.
  • Bảo mật trung tâm dữ liệu vật lý/đường truyền mạng/ứng dụng.
  • Xác thực người dùng.
  • Giám sát hành động đăng nhập và các hoạt động đáng ngờ,… 

Những khía cạnh này thuộc về trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ đám mây, được phụ trách trực tiếp bởi nhóm các chuyên gia an ninh mạng có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm đối mặt và xử lý các cuộc tấn công mạng trên toàn cầu.

Vì vậy, trong hầu hết trường hợp, nền tảng điện toán đám mây giúp doanh nghiệp bảo mật dữ liệu tốt hơn, phòng tránh được các rủi ro và mối đe dọa tiềm ẩn liên quan đến rò rỉ, đánh cắp thông tin.

Các công nghệ bảo mật cho dịch vụ điện toán đám mây không ngừng được nâng cấp để đối phó với mọi rủi ro tiềm tàng.
Các công nghệ bảo mật cho dịch vụ điện toán đám mây không ngừng được nâng cấp để đối phó với mọi rủi ro tiềm tàng.

Theo thống kê của LiveAction – nhà cung cấp các phần mềm bảo mật và giám sát mạng hàng đầu thế giới, đã có 48% doanh nghiệp tin tưởng và lưu trữ những dữ liệu nhạy cảm, tuyệt mật nhất của họ trên các nền tảng điện toán đám mây. 

Cũng theo thống kê trên, đối với các doanh nghiệp sử dụng nền tảng đám mây được tăng cường bảo mật và có biện pháp giám sát nâng cao, có rất nhiều lợi ích lớn đã đạt được:

  • Giảm 50% sự cố bảo mật thiết bị của người dùng cuối so với đám mây không có cơ chế giám sát 24/7.
  • Giảm 40% thời gian bảo trì, sửa chữa, khắc phục sự cố mạng.
  • Tăng cường độ khả dụng cho dịch vụ của doanh nghiệp, 99% nhà lãnh đạo được LiveAction khảo sát cho biết điều này giúp tăng giá trị của doanh nghiệp.
  • Giảm 30% chi phí quản lý môi trường đám mây.

Ví dụ thực tế tại doanh nghiệp:

Arterys là nhà cung cấp nền tảng AI hàng đầu thế giới về hình ảnh y khoa và hỗ trợ chẩn đoán điều trị. Đơn vị sử dụng dịch vụ đám mây của Amazon (AWS) để vận hành ứng dụng.

Trong đó bao gồm cả hệ thống giám sát an toàn thông tin, quét lỗ hổng, phát hiện mối đe dọa để ngăn chặn tin tặc bên ngoài xâm nhập và nguy cơ lộ bí mật từ bên trong nội bộ…

Nhờ đám mây AWS, Arterys đã giảm thời gian xử lý hình ảnh máy chụp MRI từ 90 phút (theo tiêu chuẩn ngành) xuống tối đa còn 10 phút, đồng thời đáp ứng nghiêm ngặt bộ quy định HIPAA về tính bảo mật, tính toàn vẹn và tính sẵn có của dữ liệu bệnh nhân.

Nhờ trển khai trên điện toán đám mây, nền tảng AI Arterys được tối ưu cả về chất lượng dịch vụ lẫn tiêu chuẩn bảo mật
Nhờ trển khai trên điện toán đám mây, nền tảng AI Arterys được tối ưu cả về chất lượng dịch vụ lẫn tiêu chuẩn bảo mật

Như vậy, lợi ích của điện toán đám mây so với hệ thống tại chỗ chính là tăng cường đảm bảo tính ổn định, không ngừng đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về bảo mật. Ngoài ra, dịch vụ đám mây còn có tính khả dụng cao nhờ có cơ chế cảnh báo trước sự cố và khắc phục kịp thời, không để xảy ra thời gian chết gây gián đoạn hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào hệ thống hạ tầng và chính sách bảo mật của nhà cung cấp cũng có thể là con dao hai lưỡi đối với doanh nghiệp: 

  • Các dữ liệu được lưu trữ tập trung trên đám mây vẫn có thể bị rò rỉ, bị chiếm dụng trái phép nếu nền tảng đám mây đó có lỗ hổng và bị tấn công, hoặc trung tâm dữ liệu của nhà cung cấp ngừng hoạt động do sự cố mất điện hàng loạt, API tích hợp đám mây với phần mềm nội bộ không an toàn, thiếu các biện pháp tuân thủ và phòng ngừa vi phạm từ trong nội bộ…
  • Ngoài ra, doanh nghiệp cần chọn cách triển khai nền tảng đám mây phù hợp để bảo vệ dữ liệu. Chẳng hạn, tại ngân hàng Vietinbank, các chương trình khuyến mãi, nội dung tin tức có thể chạy trên đám mây công cộng (Public cloud). Riêng với các dữ liệu trong hoạt động tài chính ngân hàng thì thường được lưu trữ trên đám mây riêng (Private cloud) để tối ưu tính bảo mật.

Như vậy, điều quan trọng hơn hết là doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ lưỡng để lựa chọn một nhà cung cấp dịch vụ đám mây uy tín, có cơ sở hạ tầng hiện đại, đạt chuẩn quốc tế, có hệ thống sao lưu dự phòng và bảo mật mạnh mẽ. Nhà cung cấp cũng phải có đội ngũ tư vấn thấu hiểu nhu cầu và hiện trạng của doanh nghiệp để đưa ra giải pháp chuyển đổi lên đám mây phù hợp.

Dịch vụ điện toán đám mây vẫn có rủi ro bảo mật tiềm ẩn nếu doanh nghiệp không triển khai đúng cách
Dịch vụ điện toán đám mây vẫn có rủi ro bảo mật tiềm ẩn nếu doanh nghiệp không triển khai đúng cách

5. Hạn chế rủi ro mất dữ liệu trong các tình huống bất ngờ

Để hạn chế rủi ro mất dữ liệu hoặc thời gian chết, hầu hết nhà cung cấp dịch vụ đám mây uy tín đều có mạng lưới nhiều trung tâm dữ liệu (Data center), có cơ chế khắc phục thảm họa bằng hệ thống sao lưu, dự phòng và các tính năng ghi nhật ký tự động, giám sát 24/7, bảo vệ dữ liệu liên tục… 

Theo đó, khi một trung tâm máy chủ bị mất điện đột ngột hoặc xảy ra thiên tai, hỏa hoạn…, các máy chủ ở những vị trí khác vẫn hoạt động ổn định, đảm bảo tính khả dụng và sẵn sàng cho môi trường làm việc trên đám mây của doanh nghiệp.

Ngoài ra, nếu bị tấn công mạng hoặc bị lỗi kết nối hệ thống, thì dữ liệu và dịch vụ đám mây vẫn phục hồi trở lại nhanh chóng với ít chi phí và nguồn lực hơn.

Các dịch vụ đám mây cung cấp khả năng chuyển đổi dự phòng và phục hồi dữ liệu nhanh chóng sau thảm họa.
Các dịch vụ đám mây cung cấp khả năng chuyển đổi dự phòng và phục hồi dữ liệu nhanh chóng sau thảm họa.

Ví dụ thực tế:

Tại Hoa Kỳ, Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe và Bệnh viện Memorial (MHHCC) đã tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu tại chỗ với dịch vụ đám mây Microsoft Azure để nâng cấp khả năng khắc phục sau thảm họa.

Đại diện đơn vị cho biết Azure đạt hiệu quả cao về chi phí, khả năng dễ triển khai, mức độ đáng tin cậy và bảo mật cao, chính  là sự lựa chọn tốt nhất để duy trì hoạt động của hệ thống khi xảy ra sự cố.

Ông TJ Skelton – Giám đốc Dịch vụ Công nghệ của MHHCC cho biết: “Nếu chúng tôi xây dựng thêm trung tâm dữ liệu khác để dự phòng và khắc phục thảm họa, chi phí sẽ cao từ 7 – 10 triệu đô la. Tốc độ thiết lập và vận hành hệ thống dự phòng cũng không thể nhanh chóng đúng như chúng tôi cần”.

Cũng theo ông Skelton, việc vận dụng các giải pháp dự phòng trong Microsoft Azure sẽ giảm thiểu nguy cơ gián đoạn hệ thống – “Khi trung tâm dữ liệu gặp sự cố, chúng tôi có thể chuyển sang Azure chỉ sau 30 – 60 phút”.

Việc kết hợp cơ sở dữ liệu tại chỗ với nền tảng đám mây giúp hệ thống của bệnh viện Memorial phục hồi nhanh chóng, bảo toàn dữ liệu khi có sự cố.
Việc kết hợp cơ sở dữ liệu tại chỗ với nền tảng đám mây giúp hệ thống của bệnh viện Memorial phục hồi nhanh chóng, bảo toàn dữ liệu khi có sự cố.

Ở các hệ thống lưu trữ tại chỗ, dữ liệu của doanh nghiệp được lưu trên máy chủ nội bộ. Nếu sự cố xảy ra, nguy cơ dữ liệu bị mất, hoặc gián đoạn dịch vụ và giao dịch của doanh nghiệp là rất cao, gây ảnh hưởng xấu đến năng suất, doanh thu và uy tín của thương hiệu.

Để phòng ngừa rủi ro, doanh nghiệp phải đầu tư nhiều nhân lực, vật lực và chi phí cho phần cứng dự phòng, không gian trung tâm dữ liệu. Đây sẽ là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ với ngân sách và cơ sở hạ tầng hạn chế. Lúc này, các giải pháp dựa trên đám mây chính là sự lựa chọn phù hợp nhất.

6. Dễ dàng quản lý tài nguyên và phối hợp giữa các phòng ban

Nền tảng điện toán đám mây có thể lưu trữ toàn bộ dữ liệu của doanh nghiệp ở một nơi duy nhất, đảm bảo được đồng bộ liên tục nếu có bất kỳ sửa đổi hoặc cập nhật nào. Các nhân viên sẽ cùng truy cập một nguồn thông tin, tránh tình trạng chồng chéo về văn bản, hoặc bị loãng giữa các nguồn số liệu.

Ngoài ra, tùy theo nhu cầu của doanh nghiệp, môi trường đám mây còn hợp nhất được nhiều tính năng, dịch vụ tự động hóa thông minh để hỗ trợ điều phối toàn bộ quy trình làm việc: Phân loại kho lưu trữ, công cụ phân tích/đo lường, lập kế hoạch và báo cáo, quản trị nội bộ và quan hệ khách hàng,…

Các phòng ban có thể hợp tác hiệu quả, đồng bộ và xuyên suốt, hướng tới một “tiếng nói chung” để đẩy mạnh phát triển kinh doanh và thương hiệu doanh nghiệp.

Ví dụ thực tế:

Trong ngành y tế, nhờ lợi ích của điện toán đám mây, dữ liệu của bệnh nhân được thu thập từ nhiều nguồn và đồng bộ liên tục trên cơ sở dữ liệu Y tế quốc gia, giúp các đơn vị khám chữa bệnh dễ dàng truy cập, tra cứu thông tin kịp thời và chính xác. Qua đó, đội ngũ y bác sĩ cũng có thể xem bệnh án, tiền sử bệnh lý của bệnh nhân mọi lúc, mọi nơi để đưa ra phác đồ điều trị, kê đơn thuốc hiệu quả.

Ngành Y triển khai cơ sở dữ liệu tập trung và các ứng dụng làm việc từ xa để cải thiện hiệu quả khám chữa bệnh trên toàn quốc.
Ngành Y triển khai cơ sở dữ liệu tập trung và các ứng dụng làm việc từ xa để cải thiện hiệu quả khám chữa bệnh trên toàn quốc.

So với nhiều cơ sở dữ liệu tại chỗ, việc đồng bộ thông tin lên nền tảng đám mây giúp các tổ chức, doanh nghiệp giảm tải thủ tục giấy tờ, tra cứu phân tích thông tin nhanh chóng, từ đó có thời gian để tập trung vào những đầu việc chuyên môn khác.

Chưa kể, dữ liệu trên đám mây được đồng bộ thường xuyên và liên tục, nhân viên sẽ không tiếp cận nhầm nguồn thông tin cũ hoặc sai lệch, gây ảnh hưởng đến kết quả làm việc.

7. Hỗ trợ làm việc từ xa hiệu quả, hạn chế độ trễ

Lợi ích của điện toán đám mây thể hiện rõ rệt ở khía cạnh linh hoạt: Bằng thiết bị có kết nối internet, mọi nhân viên của doanh nghiệp đều có thể được cấp quyền để truy cập vào một đám mây chung ở mọi lúc và mọi nơi. 

Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động làm việc từ xa diễn ra hiệu quả, chẳng hạn:

  • Lãnh đạo doanh nghiệp đi công tác xa vẫn có thể phê duyệt các văn bản, đề xuất của nhân viên thông qua phần mềm quản trị, thúc đẩy tiến độ công việc nhanh chóng hơn.
  • Nhiều doanh nghiệp có thể tuyển nhân viên làm việc từ xa, từ đó cắt giảm được các chi phí liên quan như: cấp trang thiết bị làm việc, chi phí xây dựng hoặc thuê văn phòng diện tích lớn,… đồng thời dễ dàng tiếp cận với nhiều nhân sự giỏi mà không bị hạn chế về mặt địa lý.
  • Doanh nghiệp không chỉ nâng cao hiệu quả làm việc nội bộ, mà còn đẩy mạnh quá trình tương tác với khách hàng. Theo Ông Trần Việt Thắng – Giám đốc Khối Công nghệ Ngân hàng ABBANK, đơn vị sử dụng Microsoft Teams làm kênh giao tiếp cho cả nhân viên và khách hàng. Trong vòng 90 ngày, đã có 10 triệu tin nhắn trao đổi và 7000 cuộc họp trực tuyến qua mạng được thực hiện suôn sẻ.

Ví dụ thực tế:

Nền tảng khám chữa bệnh từ xa Telehealth đã góp phần cải thiện đáng kể chất lượng của hệ thống y tế. Trong đại dịch Covid-19, giữa làn sóng phong tỏa và cấm đi khỏi nơi cư trú đang diễn ra căng thẳng trên toàn quốc, đội ngũ chuyên gia y khoa tại những bệnh viện tuyến đầu vẫn có thể họp mặt, trao đổi và hướng dẫn địa phương các biện pháp điều trị bệnh đúng đắn.

Hiện tại, Telehealth tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc phục vụ người bệnh tốt hơn, xóa bỏ giới hạn giữa các tuyến khám chữa bệnh. Khi gặp ca bệnh khó, các bệnh viện tuyến dưới có thể liên hệ ngay lập tức với bệnh viện tuyến trên thông qua Telehealth để được hỗ trợ hội chẩn và cho hướng điều trị phù hợp, cứu sống bệnh nhân kịp thời.

Nền tảng khám chữa bệnh từ xa được phát triển trên công nghệ điện toán đám mây, góp phần mang lại sự nhanh nhạy, linh hoạt và kịp thời cho hệ thống y tế.
Nền tảng khám chữa bệnh từ xa được phát triển trên công nghệ điện toán đám mây, góp phần mang lại sự nhanh nhạy, linh hoạt và kịp thời cho hệ thống y tế.

Đối với doanh nghiệp triển khai quy trình làm việc hoàn toàn trên hệ thống tại chỗ thì không thể tận hưởng được những ưu điểm linh hoạt trên, khiến mọi thủ tục trở nên rườm rà và tốn thời gian hơn.

Trường hợp xấu nhất, khi xảy ra những sự cố bất khả kháng như cách ly trong đại dịch, mọi hoạt động sẽ kém thông suốt hoặc bị gián đoạn hoàn toàn, gây sụt giảm lớn đến doanh thu. 

8. Tự động cập nhập và tích hợp phần mềm hỗ trợ doanh nghiệp

Môi trường đám mây tạo điều kiện thuận lợi để thử nghiệm và triển khai các dự án một cách nhanh chóng, thậm chí còn có khả năng theo dõi và phát hiện sự cố trong quá trình sản xuất. Như vậy, sản phẩm được đổi mới liên tục với chất lượng cao nhất và đảm bảo bắt kịp xu hướng thị trường.

Về phía người dùng cuối, các phần mềm có khả năng tự cập nhật phiên bản mới và tích hợp dễ dàng với nhiều dịch vụ hiện đại khác, mang lại trải nghiệm đa dạng và hài lòng nhất cho khách hàng.

Lợi ích của điện toán đám mây là tự động cập nhật và dễ dàng tích hợp với các dịch vụ đám mây khác.
Lợi ích của điện toán đám mây là tự động cập nhật và dễ dàng tích hợp với các dịch vụ đám mây khác.

Ví dụ thực tế tại doanh nghiệp:

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT đã tận dụng khả năng tích hợp của điện toán đám mây để tạo dựng những hệ sinh thái công nghệ số hoàn chỉnh, đáp ứng chính xác và đầy đủ mọi nhu cầu của từng nhóm đối tượng khách hàng trong một lĩnh vực nhất định, điều này đã mang lại lợi thế kinh doanh cực lớn và giúp sản phẩm của VNPT được phủ sóng rộng khắp cả nước. 

Điển hình là hệ sinh thái giáo dục vnEdu với bộ sản phẩm tiện ích, đa dạng: Ứng dụng học trực tuyến e-learning, điểm danh thông minh, sổ liên lạc điện tử, tích hợp ứng dụng thanh toán trực tuyến để nộp học phí, tích hợp chữ ký số từ xa, hóa đơn điện tử,… Qua đó, nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh có một môi trường số toàn diện, hỗ trợ đắc lực cho công tác dạy và học.

Nhờ những giải pháp tiện lợi và đảm bảo chất lượng, hệ sinh thái vnEdu đã đáp ứng tốt nhu cầu của người dùng, từ đó được triển khai đồng bộ tại hơn 30.000 trường học khắp 63 tỉnh thành.

vnEdu cũng trở thành từ khóa tìm kiếm lot top trending tại Việt Nam trong ba năm liên tục (2020-2022). Trong đó, hai ứng dụng được tích hợp chặt chẽ với nhau là sổ liên lạc điện tử (vnEdu Connect) và ví điện tử (VNPT Money) cũng được sử dụng phổ biến trên toàn quốc.

VNPT tạo dựng một hệ sinh thái giáo dục chất lượng cao nhờ công nghệ điện toán đám mây và tích hợp.
VNPT tạo dựng một hệ sinh thái giáo dục chất lượng cao nhờ công nghệ điện toán đám mây và tích hợp.

Ngược lại, các phần mềm tại chỗ dù có ưu điểm là vẫn có thể truy cập ngoại tuyến, nhưng chúng không thể tự động cập nhật phiên bản mới và các bản vá bảo mật. Ngoài ra việc kết nối với các phần mềm tại chỗ khác cũng khó khăn do sự khác biệt về kiến trúc, mã code,… không như các ứng dụng đám mây có thể tích hợp với nhau dễ dàng bằng API trung gian.

9. Góp phần bảo vệ môi trường, phát triển doanh nghiệp bền vững

Một lợi ích của điện toán đám mây mang lại là đảm bảo giá trị phát triển bền vững, giúp doanh nghiệp vừa đáp ứng được các nhu cầu hiện tại, vừa không làm tổn hại đến thế hệ tương lai. 

Cụ thể, quá trình lưu trữ dữ liệu trên nền tảng đám mây sẽ làm giảm thiểu cơ sở hạ tầng và phần cứng vật lý, từ đó cắt giảm nhiệt lượng và nguồn điện phát thải CO2. Ngoài ra, điện toán đám mây còn hỗ trợ tự động hóa quy trình làm việc và loại bỏ dần các thủ tục trên giấy tờ, giúp giảm lượng chất thải giấy, mực in,… góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường thiên nhiên và bảo tồn nguồn tài nguyên chung. 

Điện toán đám mây góp phần bảo vệ môi trường nhờ giảm lượng nhiệt năng và lượng phát thải khí CO2.
Điện toán đám mây góp phần bảo vệ môi trường nhờ giảm lượng nhiệt năng và lượng phát thải khí CO2.

Một nghiên cứu của Accenture cho thấy, việc chuyển sang áp dụng dịch vụ đám mây có thể làm giảm 59 triệu tấn khí thải CO2 mỗi năm, số liệu này tương đương với việc loại bỏ khí thải từ 22 triệu chiếc xe ô tô trên đường. 

Hiệu quả này cũng diễn ra tương tự với một trong những chuỗi khách sạn lớn nhất Phần Lan là Nordic Choice Hotels. Năm 2022, đơn vị này đã thực hiện một dự án thử nghiệm cho 200 chi nhánh: chuyển đổi 2000 PC chạy hệ điều hành Windows tại chỗ sang ChromeOS Flex – hệ điều hành chạy trên đám mây. Quá trình chuyển đổi chỉ mất 48 tiếng và kết quả cho thấy:

  • Mức tiêu hao năng lượng giảm 26%.
  • Giảm 1,5 triệu kg lượng khí thải CO2.
  • Giảm 6 triệu Euro chi phí trên 4500 thiết bị phần cứng vật lý.
  • Từ góc độ môi trường, điều này tương đương với việc giảm nhiên liệu của 5,4 triệu dặm xe ô tô chạy. 

Tương tự, một nghiên cứu hợp tác giữa Microsoft và WSP cũng công bố rằng, so với cơ sở hạ tầng tại chỗ, điện toán đám mây có thể cải thiện hiệu quả năng lượng lên 93%, và giảm 98% lượng khí thải nhà kính. 

Có thể thấy lợi ích của điện toán đám mây trải rộng ở nhiều khía cạnh. Đối với doanh nghiệp, lựa chọn các dịch vụ đám mây được xem là biện pháp tối ưu để hội nhập với nền kinh tế số mà vẫn đảm bảo tối ưu về chi phí. Các giải pháp trên đám mây cũng ngày càng linh hoạt, thông minh và hiện đại, mang lại những công cụ mạnh mẽ để doanh nghiệp tự tạo dựng lợi thế cạnh tranh riêng và trụ vững trước mọi xu thế thị trường.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng không nên tự ru ngủ trong kỷ nguyên đám mây, bởi môi trường này vẫn tồn tại những thách thức về bảo mật dữ liệu. Để khai thác đầy đủ và an toàn mọi tiềm năng của đám mây, doanh nghiệp nên có đội ngũ tư vấn chuyên sâu để đánh giá kỹ lưỡng về hiện trạng kinh doanh, các vấn đề đang đối mặt và những nhu cầu nào cần được giải quyết.

Nếu còn thắc mắc nào cần được giải đáp, quý khách hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo một trong các kênh sau:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN