Điện toán đám mây (Cloud Computing) hiện đang trở thành xu hướng trong lĩnh vực công nghệ và được nhiều doanh nghiệp, cá nhân đánh giá cao. Dịch vụ này giúp tạo ra nhiều thay đổi trong cấu trúc máy tính, phần mềm, trong việc phân phối và sử dụng thông tin, mang đến hiệu quả cao khi làm việc. Vậy điện toán đám mây là gì? Ứng dụng và những lợi ích của điện toán đám mây thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.
1. Điện toán đám mây (Cloud Computing) là gì?
Điện toán đám mây (Cloud Computing) hay còn gọi là điện toán máy chủ ảo, là mô hình cung cấp tài nguyên máy tính cho người dùng dựa trên mục đích sử dụng thông qua kết nối internet mọi lúc mọi nơi.
Theo đó, người dùng sẽ được truy cập và tiếp cận với nguồn tài nguyên điện toán thông qua internet nhanh chóng, dễ dàng từ nhà cung cấp. Các tài nguyên này thường liên quan đến máy tính và điện toán như phần cứng, phần mềm, hạ tầng mạng hay máy chủ và mạng lưới máy chủ.
Hiện nay, điện toán đám mây ngày càng được ưa chuộng và sử dụng phổ biến. Điển hình nhất là dịch vụ điện toán đám mây như Google Drive, OneDrive, Dropbox, iCloud,…. Người dùng chỉ cần đăng ký và chọn dịch vụ miễn phí/trả phí theo nhu cầu. Sau đó họ sẽ được quyền upload tài liệu, thông tin lên tài khoản Cloud của mình và truy cập ở bất kỳ đâu, bất kỳ khi nào miễn có kết nối mạng.
Để hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa hình thức lưu trữ tại chỗ truyền thống (On-Premise) và lưu trữ đám mây (Cloud Computing), bạn có thể tham khảo phần so sánh giữa cách hoạt động của hai hình thức này dưới đây:
Lưu trữ truyền thống: On-Premise là hình thức lưu trữ phụ thuộc vào các thiết bị vật lý. Với hình thức này, doanh nghiệp cần cài đặt và chạy phần mềm trên thiết bị vật lý dựa trên khả năng kiểm soát của mình. Nhân viên có thể trực tiếp truy cập dữ liệu bằng thiết bị vật lý, kiểm soát và quản lý mọi thứ mà không có sự sự tham gia của bên thứ ba.
Lưu trữ đám mây: Là giải pháp lưu trữ dữ liệu trên mạng internet. Theo đó, người dùng sẽ được cung cấp tài nguyên hệ thống theo yêu cầu mà không cần đầu tư thiết bị hay phần cứng để lưu trữ. Mọi khách hàng đều có thể truy cập dữ liệu của mình thông qua tài khoản đã đăng ký mọi lúc, mọi nơi, không giới hạn thiết bị. Khi không còn nhu cầu sử dụng thì chỉ cần ngừng đăng ký dịch vụ là được.
2. Ứng dụng của điện toán đám mây trong doanh nghiệp
Điện toán đám mây được sử dụng như một mô hình công nghệ có tính ứng dụng cao và ngày càng được nhiều người dùng/doanh nghiệp ưa chuộng. Dưới đây là các ứng dụng nổi bật nhất của điện toán đám mây không thể bỏ qua:
2.1. Làm cơ sở dữ liệu cho doanh nghiệp
Ứng dụng đầu tiên không thể bỏ qua của Cloud Computing là khả năng làm cơ sở dữ liệu cho doanh nghiệp. Hình thức này sẽ cung cấp một không gian rộng lớn với khả năng hoạt động mạnh mẽ cho phép doanh nghiệp/cá nhân có thể lưu trữ mọi dữ liệu theo nhu cầu.
Bên cạnh đó, bên cung cấp dịch vụ Cloud thường hỗ trợ bảo trì, vận hành hệ thống một cách trơn tru và có khả năng mở rộng linh hoạt cho doanh nghiệp khi cần. Người dùng chỉ cần chỉnh sửa dữ liệu thật chính xác và upload lên tài khoản của mình là được.
Sau khi đăng ký tài khoản và mua không gian lưu trữ theo nhu cầu, doanh nghiệp có thể thoải mái lưu dữ liệu. Trường hợp trong quá trình sử dụng không đủ dung lượng, doanh nghiệp vẫn có thể đăng ký mở rộng không gian lưu trữ mà không cần mua thêm máy móc hay thuê đội ngũ quản lý.
2.2. Ứng dụng trong lưu trữ website
Đây là ứng dụng rất cần thiết với các doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt là với những doanh nghiệp đang đẩy mạnh kinh doanh trên internet. Khi ứng dụng điện toán đám mây, doanh nghiệp có thể cập nhật, lưu trữ website một cách nhanh chóng và tiết kiệm. Trong khi đó, bạn chỉ cần chi trả phí theo mức mình sử dụng mà không quá tốn kém.
Ví dụ, doanh nghiệp bạn đang phát triển một website chuyên bán quần áo, thường xuyên phải cập nhật mẫu mã mới và thông tin, giá cả sản phẩm. Điện toán đám mây có thể giúp bạn lưu trữ các thông tin này và cho phép truy cập mọi lúc, mọi nơi mà không cần phải chuẩn bị thiết bị vật lý có dung lượng lớn để lưu trữ.
2.3. Ứng dụng trong quản lý dữ liệu
Tuy không thể giúp thu gọn kích thước của dữ liệu nhưng Cloud Computing rất hữu ích trong việc quản lý và lưu trữ dữ liệu. Bạn có thể tự sắp xếp dữ liệu cần lưu theo ý muốn và tự quản lý theo nhu cầu.
Có thể hiểu đơn giản rằng, khi bạn tải dữ liệu lên đám mây, dữ liệu này vẫn sẽ được giữ nguyên kích thước và định dạng. Các tệp dữ liệu sẽ do bạn tự sắp xếp theo ý muốn để quản lý một cách dễ dàng. Thông qua đó, bạn sẽ biết được dữ liệu của mình đang quản lý là bao nhiêu, gồm những gì và lưu trữ thế nào.
2.4. Lưu trữ và chia sẻ dữ liệu
Đây là ứng dụng cơ bản và nổi bật nhất của điện toán đám mây. Người dùng có thể upload dữ liệu để lưu trữ và chia sẻ với những người xung quanh theo ý muốn một cách dễ dàng và tiện lợi.
Ví dụ như khi bạn tải dữ liệu lên một nền tảng đám mây là Google Drive, bạn vừa có thể lưu trữ nó, vừa dễ dàng chia sẻ với người khác bằng cách cấp quyền truy cập phù hợp. Người dùng khác không cần phải tải về hay đến tận nơi để xem mà chỉ cần có một thiết bị điện tử thông minh như điện thoại, máy tính và kết nối internet là có thể thoải mái xem những dữ liệu được bạn chia sẻ dù ở bất cứ đâu.
>> Tìm hiểu chi tiết thêm về Ứng dụng điện toán đám mây tại Việt Nam.
3. Vậy doanh nghiệp có nên chuyển sang sử dụng điện toán đám mây?
Với những ứng dụng trên, vậy doanh nghiệp có nên chuyển sang sử dụng điện toán đám mây không? Để trả lời được câu hỏi này, người dùng cần hiểu rõ được những ưu điểm và nhược điểm của điện toán đám mây sau đây.
Ưu điểm của điện toán đám mây
Những lợi ích khi sử dụng điện toán đám mây mà người dùng sẽ nhận được là:
Tự phục vụ nhu cầu
Nền tảng điện toán đám mây sẽ cung cấp cho người dùng các yếu tố cần thiết để sử dụng dữ liệu số như không gian lưu trữ, mạng, server, dịch vụ,…. Người dùng có thể tự thiết lập, quản lý, sử dụng hay hủy bỏ dịch vụ dễ dàng, nhanh chóng mà không qua bên trung gian thứ ba.
Truy cập linh hoạt
Tiện ích lớn nhất của điện toán đám mây là bạn có thể truy cập dữ liệu ở bất kỳ nơi đâu chỉ bằng vài cái nhấp chuột với điều kiện là thiết bị có kết nối internet. Đây là tiện ích vô cùng nổi bật và được nhiều người dùng ưa chuộng nhất.
Nơi lưu trữ tài nguyên
Nhà cung cấp dịch vụ sẽ là các trung tâm lưu trữ thông tin, dữ liệu khổng lồ được đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, đầy đủ tiện nghi và chức năng. Điều này đảm bảo hệ thống luôn hoạt động tốt nhất để đáp ứng nhu cầu của người dùng bất cứ khi nào
Co giãn quy mô linh động
Người dùng có thể thêm/bớt số lượng tài nguyên theo nhu cầu sử dụng của mình mà không cần lo lắng nhiều về chi phí hay cách thức. Tiện ích này giúp người dùng dễ dàng và chủ động hơn trong mọi hoàn cảnh và thời điểm, có tính toán hợp lý để phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Đóng vai trò là dịch vụ đo lường
Dịch vụ điện toán đám mây có hệ thống ghi chép, tính toán và báo cáo dữ liệu cho người dùng một cách rõ ràng. Theo đó, người dùng có thể dễ dàng kiểm soát lưu lượng đã dùng để có thể tính toán hợp lý nhất.
Dễ dàng backup và phục hồi dữ liệu
Điện toán đám mây luôn có sẵn hệ thống sao lưu dữ liệu dự phòng các trường hợp sự cố xảy ra. Vì thế, khi có bất kỳ vấn đề gì, hệ thống sẽ có khả năng tự phục hồi dữ liệu, đảm bảo dữ liệu của người dùng luôn an toàn và đầy đủ nhất.
Tính bảo mật và an ninh mạng cao
Nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây luôn cập nhật liên tục các tính năng bảo mật mới đã được thông qua kiểm định nghiêm ngặt. Đồng thời, các hoạt động trên đám mây luôn được bên thứ ba giám sát thường xuyên để đảm bảo dữ liệu của người dùng được an toàn.
Nhược điểm của điện toán đám mây
Tuy có nhiều ưu điểm nổi bật nhưng điện toán đám mây vẫn tồn tại một số nhược điểm sau:
Phụ thuộc 100% vào mạng internet
Để sử dụng và truy cập dữ liệu trên điện toán đám mây, người dùng cần phải kết nối mạng internet. Việc phụ thuộc 100% vào mạng internet sẽ gây khó khăn cho người dùng trong trường hợp không có kết nối mạng.
Khó khăn trong giải quyết kỹ thuật
Khi có sự cố xảy ra, người dùng sẽ khó có thể tự giải quyết bởi không đủ quyền quản lý 100%. Điều này sẽ gây nhiều bất tiện nếu không được đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ ngay.
Vấn đề bảo mật
Khi truyền dữ liệu qua đám mây là doanh nghiệp đã truyền thông tin trên không gian của nhà cung cấp. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về vấn đề bảo mật như ăn cắp thông tin, mất hoặc hỏng dữ liệu nếu nhà cung cấp có hệ thống bảo mật kém chất lượng.
Có thể thấy rằng, điện toán đám mây mang đến nhiều lợi ích cho người dùng trong việc quản lý và sử dụng dữ liệu. Song, dịch vụ này cũng tồn tại một số hạn chế nhất định gây bất tiện khi sử dụng.
Vì thế, nếu muốn tiết kiệm chi phí và không gian lưu trữ thoải mái thì bạn có thể chọn lưu trữ trên đám mây. Còn nếu lo ngại vấn đề bảo mật hay việc sử dụng thì bạn nên chọn hình thức lưu trữ truyền thống.
Để hiểu rõ hơn về ưu – nhược điểm của điện toán đám mây, bạn có thể tham khảo thông tin TẠI ĐÂY (dẫn link bài ưu nhược điểm của điện toán đám mây)
4. Phân biệt các hình thức điện toán đám mây phổ biến hiện nay
Điện toán đám mây được xem là giải pháp toàn diện trên internet. Vì thế, điện toán đám mây sẽ được chia thành nhiều loại khác nhau dựa trên mô hình cung cấp dịch vụ và phương pháp triển khai. Chính vì thế, người dùng/doanh nghiệp cần hiểu rõ những loại này để lựa chọn dịch vụ và phương pháp phù hợp có thể đáp ứng tốt nhu cầu của mình. Dưới đây là tổng hợp các hình thức điện toán đám mây phổ biến bạn nên biết.
4.1. Phân loại điện toán đám mây dựa theo mô hình cung cấp
Dựa trên mô hình cung cấp dịch vụ chúng ta sẽ có 3 loại điện toán đám mây như sau:
Infrastructure as a Service (IaaS)
Infrastructure as a Service (IaaS) là mô hình cung cấp các hạ tầng cơ bản cho người dùng theo hình thức dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu. Theo đó, nhà cung cấp sẽ bán cho người dùng những tính năng như máy chủ ảo, mạng, CPU, RAM, địa chỉ IP, không gian lưu trữ, ổ cứng (SSD/HDD), thiết bị trung tâm lưu trữ, tính năng bảo mật,…. Dựa trên cơ sở hạ tầng đã mua, người dùng chỉ việc đăng nhập tài khoản và cài đặt, thiết lập hệ thống quản trị theo ý muốn.
IaaS thường được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhằm giúp các doanh nghiệp có có được môi trường, không gian lưu trữ và cơ sở hạ tầng tốt nhất. Ví dụ gần nhất là dịch vụ điện toán đám mây của Google Cloud, Microsoft Azure hay IBM. Người dùng chỉ cần chọn và đăng ký các gói lưu trữ có dung lượng phù hợp với nhu cầu sử dụng và trả tiền theo gói dung lượng đó.
Platform as a Service (PaaS)
Về cơ bản, PaaS sẽ gần tương tự với IaaS nhưng sẽ được tích hợp nhiều tính năng cao hơn. Đây là dịch vụ hỗ trợ người dùng Cloud Computer thông qua cơ sở dữ liệu, máy chủ website, hệ điều hành và môi trường lập trình.
Người dùng khi sử dụng PaaS không cần phải quan tâm đến vấn đề cơ sở hạ tầng ngầm của doanh nghiệp/tổ chức mà có thể tập trung vào việc triển khai và quản lý ứng dụng của mình. Dịch vụ sẽ cung cấp các công cụ phát triển doanh nghiệp thông minh, phần mềm máy tính và nhiều công cụ khác để tạo nền tảng cho bạn xây dựng, phát triển ứng dụng theo ý muốn.
PaaS được tạo ra nhằm phục vụ các developer, thích hợp trong việc triển khai các website, ứng dụng trên nền tảng đám mây. Điển hình là các dịch vụ được cung bởi Heroku, Google ứng dụng và Microsoft Azure. Những đơn vị này sẽ cung cấp cho người dùng các tài nguyên như RAM, ứng dụng nền tảng, bộ nhớ, CPU,… để bạn có thể tự xây dựng một ứng dụng của riêng mình
Software as a Service (SaaS)
SaaS là mô hình điện toán đám mây cao nhất hiện nay, mang đến các ứng dụng hoàn chỉnh được quản lý và duy trì bởi nhà cung cấp dịch vụ thông qua internet. Có thể hiểu đơn giản đây là dịch vụ cung cấp ứng dụng thông qua internet mà mọi người dùng cuối đều có thể sử dụng ngay lập tức mà không cần quan tâm đến các vấn đề khác.
Người dùng khi tải ứng dụng lên hệ thống sẽ được lưu trữ trên máy chủ của nhà cung cấp. Bạn sẽ phải trả phí dịch vụ, có thể tải dữ liệu về máy theo ý muốn. Tuy nhiên, đến khi hết hạn sử dụng thì tài khoản sẽ bị vô hiệu hóa và người dùng cần gia hạn thêm mới có thể sử dụng tiếp.
Mô hình này có thể ứng dụng rộng rãi và tất cả mọi người đều có thể dụng cho nhiều mục đích khác nhau như truyền dữ liệu, lưu trữ, bảo mật,…. Ví dụ đơn giản của mô hình SaaS là dịch vụ đám mây của Google Drive, Dropbox, OneDrive,…. Bạn có thể sử dụng ngay lập tức mà không cần quan tâm đến hệ thống máy chủ, quản lý, vận hành.
4.2. Phân loại điện toán đám mây dựa theo phương pháp triển khai
Dựa theo phương pháp triển khai, điện toán đám mây cũng có 4 loại như sau:
Public Cloud
Public Cloud là mô hình điện toán đám mây được dùng phổ biến nhất hiện nay, cho phép chứa tất cả dịch vụ, ứng dụng trên cùng một hệ thống đám mây. Theo đó, toàn bộ người dùng sẽ được dùng chung tài nguyên và nhà cung cấp sẽ có nhiệm vụ quản lý và bảo vệ tài nguyên đó.
Khi dùng Public Cloud, người dùng sẽ không bị giới hạn thời gian và không gian lưu trữ, có thể linh động mở rộng/thu hẹp không gian tùy theo nhu cầu. Đặc biệt, dịch vụ này có thể đáp ứng tốt nhu cầu của nhiều người dùng khác nhau và chi phí thấp. Do dùng chung nên vấn đề bảo mật chưa quá cao và khó kiểm soát được dữ liệu.
Mô hình này có thể ứng dụng cho tất các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức cỡ vừa và nhỏ có nhu cầu lưu trữ, chia sẻ tài nguyên và không có yêu cầu cao về tính bảo mật. Ví dụ đơn giản nhất về mô hình này là Dropbox, Google Drive, Office 365,…. có thể chia sẻ tài liệu hay dùng nhiều người cùng lúc.
Private Cloud
Đây là dịch vụ điện toán đám mây có tính bảo mật cao và có hệ thống tường lửa tiêu chuẩn phục vụ chủ yếu cho các doanh nghiệp/tổ chức nhằm bảo mật dữ liệu. Doanh nghiệp có quyền quản lý trực tiếp dữ liệu của mình và sẽ không bị chia sẻ ra ngoài.
Dịch vụ này còn có thể cung cấp nhiều lợi ích như self-service, linh hoạt trong việc mở rộng và thu hẹp, hỗ trợ kiểm soát và tùy chỉnh tài nguyên. Ví dụ, doanh nghiệp có thể đăng ký sử dụng dịch vụ Cloud của các nhà cung cấp. Tuy nhiên, nhà cung cấp sẽ cung cấp cho doanh nghiệp hạ tầng riêng đặt tại ngay chính doanh nghiệp để sử dụng độc lập nội bộ. Doanh nghiệp có thể tự cài đặt và quản lý tài nguyên theo ý muốn.
Hybrid Cloud
Hybrid Cloud là dịch vụ tổng hợp các tính năng hữu ích nhất của Public Cloud và Private Cloud. Với hình thức đám mây lai này cho phép người dùng có thể lựa chọn cùng lúc các tính năng, dịch vụ của 2 hình thức trên để sử dụng sao cho phù hợp với nhu cầu và mục đích nhất.
Với Hybrid Cloud người dùng sẽ được bảo mật các dữ liệu quan trọng, sử dụng nhiều dịch vụ đám mây và không bị hạn chế tài nguyên. Tuy nhiên, hình thức này khá tốn chi phí cơ sở hạ tầng và đòi hỏi người quản lý phải có những kiến thức nhất định về công nghệ để quản lý và triển khai chúng.
Hình thức đám mây này có thể ứng dụng cho tất cả doanh nghiệp, người dùng có nhu cầu sử dụng đa dạng dịch vụ đám mây mà vẫn có tính bảo mật cao. Ví dụ, doanh nghiệp có thể lưu trữ các tài liệu bảo mật liên quan đến vấn đề tài chính, chiến lược phát triển, hợp đồng,… của công ty trên nền tảng Private Cloud hoặc đặt tại trung tâm dữ liệu. Còn những tài liệu như danh sách sản phẩm, dịch vụ, giới thiệu về công ty,… có thể công khai trên public cloud để nhiều người có thể truy cập được.
Community Cloud
Community Cloud là hình thức điện toán đám mây cộng đồng cho phép chia sẻ cơ sở dữ liệu hạ tầng giữa nhiều tổ chức với người dùng. Với nhiều thức này, dữ liệu sẽ được chia sẻ, trao đổi giữa nhiều nhóm đối tượng khác nhau cùng quan tâm về một lĩnh hay nhiều lĩnh vực và vẫn đảm bảo được sự riêng tư của người dùng. Tuy nhiên, hình thức này sẽ khá tốn kém do cần đầu tư cơ sở hạ tầng lớn và khó khăn trong việc điều hành và quản lý.
Ví dụ, một nhóm các nhà thầu khi tham gia vào một dự án bất động sản, họ sẽ cùng mối quan tâm về các vấn đề an ninh, giá thầu, chi phí vật liệu xây dựng, phương án triển khai xây dựng,… Khi sử dụng Community Cloud, nhóm các nhà thầu này có thể chia sẻ, trao đổi thông tin về những vấn đề trên mà vẫn đảm bảo được tính riêng tư vì chỉ những ai được quyền tham gia mới có thể truy cập được.
5. Chi phí doanh nghiệp cần bỏ ra để ứng dụng điện toán đám mây
So với hình thức lưu trữ tại chỗ truyền thống, điện toán đám mây sẽ giúp doanh nghiệp/người dùng tiết kiệm rất nhiều chi phí để tối ưu hiệu quả vận hành. Điển hình, doanh nghiệp sẽ giảm bớt được chi phí đầu tư các phần cứng đắt tiền, chi phí nâng cấp phần mềm, nhân viên, điện năng,… Từ đó giúp tối ưu được chi phí vận hành, doanh nghiệp có thể đầu tư cho các hạng mục khác để giúp doanh nghiệp phát triển tốt hơn.
Hiện nay, chi phí doanh nghiệp cần bỏ ra để sử dụng điện toán đám mây một tháng trung bình vào khoảng vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng tùy theo gói sử dụng. Chi phí này đã bao gồm các phí cho phần cứng, RAM, IP, băng thông, CPU, dung lượng lưu trữ. Trong quá trình sử dụng, doanh nghiệp có thể dễ dàng mở rộng hoặc thu hẹp gói của mình để phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Ví dụ, hiện tại VNPT đang cho thuê máy chủ ảo với mức giá chỉ từ 300.000đ/tháng, đã bao gồm ổ cứng, dung lượng, vCPU, Ram, IP Public và băng thông. Các gói cao hơn có mức giá từ 1.199.000 – 10.000.000đ và lưu lượng, tốc độ đi kèm cũng tăng lên tương xứng. Trong khi đó, khi thuê máy chủ vật lý giá thấp nhất hiện tại cũng khoảng từ 2.000.000đ trở lên nhưng chưa bao gồm chi phí chỗ đặt máy và các hạ tầng liên quan.
Như vậy, có thể thấy chi phí mà doanh nghiệp cần phải bỏ ra khi ứng dụng điện toán đám mây là không cao. Chính điều này đã khiến điện toán đám mây trở thành xu hướng trong lĩnh vực công nghệ thông tin và được nhiều người dùng ưa chuộng.
6. Các bước để ứng dụng thành công điện toán đám mây
Để ứng dụng thành công điện toán đám mây, cần qua các bước sau:
6.1. Thiết lập đội ngũ di chuyển dữ liệu chuyên nghiệp
Trước khi bắt đầu, doanh nghiệp cần có đội ngũ chuyên nghiệp để di chuyển dữ liệu. Đội ngũ này sẽ chịu trách nhiệm lập kế hoạch và hoàn tất mọi yếu tố để di chuyển dữ liệu, bao gồm việc tái cấu trúc dữ liệu, thiết kế chiến lược di chuyển, xác định các yêu cầu và giải pháp sử dụng đám mây,… đảm bảo quá trình di chuyển dữ liệu nhanh chóng và thuận lợi.
6.2. Chọn mức độ tích hợp của đám mây
Trước khi di chuyển dữ liệu sang đám mây, người dùng cần xác định mức độ tích hợp của đám mây thế nào. Hiện có 2 mức độ là tích hợp dữ liệu hoặc tích hợp ứng dụng:
- Tích hợp dữ liệu: Là sự đồng bộ hóa dữ liệu giữa các ứng dụng với nhau. Dữ liệu sẽ được xử lý hoặc chuyển đổi trong quá trình di chuyển.
- Tích hợp ứng dụng: Là hình thức kết nối các ứng dụng và sắp xếp chúng theo mức độ tương quan của từng ứng dụng.
6.3. Chọn nhà cung cấp đám mây
Dựa trên nhu cầu di chuyển dữ liệu của mình, doanh nghiệp cần xác định rõ mình muốn hợp tác với 1 hay nhiều nhà cung cấp dịch vụ. Nên hợp tác với nhà cung cấp nào là tốt nhất.
Hiện nay, có rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ đám mây đang hoạt động trên thị trường. Tuy nhiên, để lựa chọn được nhà cung cấp tốt, doanh nghiệp cần dựa trên một số tiêu chí như: Khả năng bảo mật, các dịch vụ Cloud server, khả năng mở rộng dịch vụ, khả năng hỗ trợ từ nhà cung cấp,… Doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ càng thông tin về các nhà cung cấp trước khi tiến hành đàm phán và hợp tác để đảm bảo mang đến hiệu quả cao khi làm việc.
6.4. Thiết lập KPI cho đám mây
Đây là chỉ số đánh giá hiệu quả của việc di chuyển và quản lý dữ liệu trên đám mây. Thông qua chỉ số này, doanh nghiệp có thể xác định được thời điểm di chuyển thành công và hiệu quả của việc di chuyển này thế nào với doanh nghiệp.
6.5. Kế hoạch sắp xếp dữ liệu trước khi di chuyển lên Cloud
Việc di chuyển dữ liệu, đặc biệt là khối lượng lớn thường rất phức tạp. Vì thế, đòi hỏi doanh nghiệp phải có kế hoạch rõ ràng, chi tiết. Nội dung kế hoạch phải nêu rõ được công việc của từng cá nhân/nhóm thế nào, thời gian hoàn thành, lượng dữ liệu cần di chuyển,…
Đồng thời, trong số các dữ liệu cần di chuyển lên đám mây, bạn cần đánh giá thứ tự di chuyển thế nào là phù hợp. Dữ liệu nào cần thực hiện di chuyển gấp phải được thực hiện trước trong kế hoạch. Điều này giúp đảm bảo bạn có thể di chuyển nhanh chóng các dữ liệu quan trọng, cần thiết để phục vụ cho công việc.
6.6. Tái cấu trúc dữ liệu nếu cần
Doanh nghiệp có thể thực hiện tái cấu trúc bất kỳ dữ liệu nào sao cho phù hợp với việc di chuyển và hoạt động trên đám mây. Điều này sẽ đảm bảo dữ liệu có thể hoạt động hiệu quả nhất, nâng cao hiệu suất làm việc lên tối đa.
6.7. Sắp xếp dữ liệu sau khi di chuyển lên Cloud
Ở bước này, người dùng cần thực hiện di chuyển dữ liệu lên Cloud sau khi đã có kế hoạch cụ thể. Quá trình di chuyển dữ liệu phải đảm bảo di chuyển đủ, đúng và sắp xếp phù hợp như kế hoạch đã đề ra.
Sau khi hoàn tất việc di chuyển dữ liệu, tài nguyên, doanh nghiệp cần kiểm tra và tối ưu hóa dữ liệu, phân bổ tài nguyên một cách phù hợp. Điều này sẽ giúp việc quản lý và sử dụng tài nguyên đám mây đạt hiệu quả cao nhất.
Là tập đoàn công nghệ hàng đầu, luôn đi tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số Quốc gia, VNPT đã nghiên cứu phát triển và cho ra mắt dịch vụ VNPT Cloud. Đây là dịch vụ cung cấp máy chủ ảo trên môi trường điện toán đám mây giúp khách hàng có thể thiết lập hạ tầng điện toán với quy mô linh hoạt theo yêu cầu.
Sử dụng VNPT Cloud sẽ giúp khách hàng quản trị dữ liệu dễ dàng, mở rộng linh hoạt, giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả công việc. Đặc biệt, VNPT có năng lực hạ tầng đạt tiêu chuẩn cao, đội ngũ kỹ thuật chất lượng, support 24/7. Chính vì thế, khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng dịch vụ của chúng tôi.
Nếu cần tư vấn và hỗ trợ thông tin về dịch vụ VNPT Cloud, quý khách vui lòng liên hệ một trong những thông tin dưới đây:
- Website: https://onesme.vn
- Hotline: 1800 1260
- Email: onesme@vnpt.vn
- Tư vấn miễn phí: https://bit.ly/oneSME_ContactUs