BHXH 1 lần là gì? Điều kiện, cách tính, thủ tục và hướng dẫn rút BHXH 1 lần

Trang chủGiải pháp chuyển đổi sốBHXH 1 lần là gì? Điều kiện, cách tính, thủ tục và hướng dẫn rút BHXH 1 lần

Việc nắm rõ các quy định về BHXH 1 lần giúp người lao động có đủ cơ sở để đánh giá, cân nhắc và đưa ra lựa chọn phù hợp nhất đảm bảo tối ưu quyền lợi nhận trợ cấp BHXH của mình. Tham khảo các thông tin hướng dẫn chi tiết liên quan đến thủ tục BHXH 1 lần trong bài viết sau đây.

Mục lục

1. BHXH 1 lần là gì?

Căn cứ theo điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:

“Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.”

Trong đó, chế độ BHXH 1 lần chỉ là một trong những quyền lợi mà người tham gia BHXH được hưởng. Theo đó, người lao động có quyền hưởng chế độ này trong một số trường hợp theo quy định của pháp luật.

2. Điều kiện hưởng BHXH 1 lần

Người lao động nếu có yêu cầu rút BHXH 1 lần sẽ được chi trả theo chế độ này nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau:

  • Đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa đóng BHXH đủ năm quy định: Người lao động đủ tuổi hưởng hưu nhưng đóng BHXH chưa đủ 20 năm (hoặc 15 năm nếu là lao động nữ tham gia hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở cơ quan cấp xã, phường, thị trấn) và không tiếp tục đóng BHXH tự nguyện.
  • Dừng tham gia BHXH bắt buộc/tự nguyện hơn 1 năm: Người lao động tham gia BHXH bắt buộc tại cơ quan/doanh nghiệp sau 1 năm nghỉ việc; người lao động tham gia BHXH tự nguyện dừng đóng phí sau 1 năm và chưa đóng đủ 20 năm.
  • Ra nước ngoài định cư: Công dân Việt Nam ra nước ngoài định cư và trước đó có tham gia BHXH.
  • Mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng: Người lao động trong trường hợp mắc phải một trong các căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, bệnh phong, bệnh lao nghiêm trọng, AIDS và một số bệnh khác theo quy định Bộ Y tế Việt Nam.
  • Đối tượng thuộc một trong các trường sau đây khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu:
    • Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp của lực lượng quân đội nhân dân.
    • Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật của lực lượng công an nhân dân.
    • Người tham gia các công tác cơ yếu hưởng lương theo chế độ quân nhân.
    • Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân tham gia phục vụ lực lượng quân đội/công an có thời hạn.
    • Học viên tại trường quân đội, công an, cơ yếu đang theo học và được hưởng sinh hoạt phí theo quy định.

Tham khảo thông tin chi tiết về điều kiện hưởng BHXH 1 lần tại các văn bản pháp luật dưới đây:

Văn bản pháp luật Nội dung văn bản
Thông tư 18/2022/TT-BYT Điều 1: Sửa đổi, bổ sung quy định của điều 4 Thông tư số 56/2017/TT-BYT về các trường hợp mắc bệnh được hưởng BHXH 1 lần
Thông tư 01/2023/TT-BLĐTBXH Quy định điều chỉnh mức tiền lương đóng BHXH từ 01/01/2023.
Rút BHXH 1 lần
BHXH 1 lần được áp dụng cho các đối tượng tham gia BHXH trong một số trường hợp cụ thể.

3. Quy định về mức hưởng BHXH 1 lần

Mức hưởng BHXH 1 lần sẽ phụ thuộc vào hình thức BHXH mà người lao động tham gia. Cụ thể:

Đối với người lao động tham gia BHXH bắt buộc

  • Với người lao động tham gia BHXH bắt buộc, mức hưởng BHXH 1 lần sẽ tính dựa trên số năm tham gia. Cụ thể, cứ mỗi năm sẽ được tính như sau:
    • Trước năm 2014: Nhận 1,5 tháng lương theo mức bình quân đóng BHXH.
    • Từ năm 2014 trở đi: Nhận 02 tháng lương theo mức bình quân đóng BHXH.
  • Người lao động tham gia BHXH chưa đủ 1 năm sẽ được chi trả BHXH 1 lần tính bằng 22% các mức tiền lương tháng đã đóng BHXH, tối đa không quá 02 tháng tiền lương bình quân đóng BHXH.
  • Người lao động là đối tượng tham gia lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân hoặc làm công tác cơ yếu hưởng chế độ lượng như quân nhân, đối tượng phục vụ quân ngũ có thời hạn, học viên đang theo học trường quân đội, công an, cơ yếu hưởng sinh hoạt phí tham gia BHXH chưa đủ 1 năm thì nhận BHXH 1 lần bằng số tiền đã đóng, tối đa không quá 02 tháng tiền lương theo mức bình quân tháng đóng BHXH.

Đối với người tham gia BHXH tự nguyện

  • Với người lao động tham gia BHXH tự nguyện được hưởng chi trả BHXH 1 lần theo mức tính cho từng năm như sau:
    • Trước năm 2014: Nhận 1,5 tháng tính theo mức thu nhập bình quân đóng BHXH tự nguyện.
    • Từ năm 2014 trở đi: Nhận 02 tháng tính theo mức thu nhập bình quân đóng BHXH tự nguyện.
  • Người lao động tham gia BHXH tự nguyện chưa đủ 1 năm thì nhận BHXH 1 lần theo mức bằng số tiền đã đóng, tối đa không quá 02 tháng tính theo mức thu nhập bình quân tháng đóng BHXH tự nguyện.

Tham khảo thông tin chi tiết về mức hưởng chế độ BHXH 1 lần tại các văn bảm pháp luật đây:

Văn bản pháp luật Nội dung văn bản
Luật Bảo hiểm xã hội 2014 Khoản 2 Điều 60: Quy định về mức hưởng chế độ BHXH 1 lần
Nghị định số 115/2015/NĐ-CP Khoản 2 Điều 8: Quy định về mức hưởng BHXH 1 lần
Rút BHXH 1 lần
Mức hưởng BHXH 1 lần phụ thuộc vào số năm tham gia BHXH của người lao động.

4. Hướng dẫn cách tính BHXH 1 lần

Để tính mức chi trả BHXH 1 lần, người lao động có thể áp dụng theo công thức dưới đây.

Công thức tính BHXH 1 lần

Theo khoản 4, điều 19 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định mức trợ cấp BHXH 1 lần được tính dựa trên thời gian người lao động tham gia BHXH và mức bình quân tiền lương (Mbqtl) tháng đóng BHXH.

Cụ thể, công thức tính mức hưởng BHXH 1 lần như sau:

Mức hưởng = (1,5 x Mbqtl x thời gian tham gia BHXH trước năm 2014) + (2 x Mbqtl x thời gian tham gia BHXH từ năm 2014)

Lưu ý:

  • Trường hợp người lao động chưa đóng BHXH đủ 1 năm thì mức hưởng bằng số tiền đã đóng, mức hưởng tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương đóng BHXH.
  • Thời gian tham gia BHXH tính bằng số năm tham gia.
  • Thời gian tham gia BHXH lẻ: từ 1 đến 6 tháng tính 1/2 năm; từ 7 đến 11 tháng tính tròn 1 năm.
  • Mức hưởng BHXH 1 lần không tính bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, trừ trường hợp người lao động mắc bệnh hiểm nghèo.

Cách tính mức bình quân tiền lương

Mức bình quân tiền lương sẽ được tính theo công thức sau:

Để xác định được mức bình quân tiền lương, trước hết bạn cần nắm được thông tin số tháng đóng BHXH và mức điều chỉnh hàng năm theo hướng dẫn bên dưới.

Cách xác định số tháng đóng BHXH

Người lao động có thể kiểm tra thông tin về số tháng tham gia BHXH theo 1 trong các cách sau:

Cách 1: Tra cứu bằng ứng dụng online VssID trên điện thoại

  • Bước 1: Mở ứng dụng VssID, nhập tên tài khoản là mã BHXH và mật khẩu.
Đăng nhập VSSID trên điện thoại
Mở và đăng nhập VssID trên điện thoại.
  • Bước 2: Ứng dụng sẽ hiển thị giao diện Quản lý cá nhân, chọn [Quá trình tham gia].
Cách tính mức bình quân tiền lương
Vào QL cá nhân chọn [Quá trình tham gia].
  • Bước 3: Nhấn chọn [BHXH] để xem thông báo về tổng thời gian tham gia BHXH, nếu muốn xem thông tin chi tiết vui lòng kích vào biểu tượng “mắt” ở bên cạnh.
Cách tính mức bình quân tiền lương
Kích chọn BHXH để xem thông tin thời gian tham gia.

Cách 2: Tra cứu bằng tin nhắn SMS 

Người lao động nhắn tin theo cú pháp: BH QT[mã số BHXH][từ năm][đến năm] và gửi đến số điện thoại 8079. Hệ thống sẽ tiếp nhận yêu cầu và gửi kết quả tra cứu thời gian tham gia BHXH. Cước phí cho một lần tra cứu trên tin nhắn là 1.000 VNĐ/tin nhắn.

Cách 3: Tra cứu trên cổng thông tin điện tử BHXH

Cách tính mức bình quân tiền lương
Vào cổng thông tin điện tử BHXH và chọn [Tra cứu trực tuyến].
  • Bước 2: Kéo chuột xuống phía dưới, chọn mục [Tra cứu trực tuyến], hệ thống sẽ hiển thị danh mục tra cứu.
  • Bước 3: Chọn [Tra cứu quá trình tham gia BHXH] ở thanh menu dọc bên tay phải màn hình.
Cách tính mức bình quân tiền lương
Chọn [Tra cứu quá trình tham gia BHXH] rồi điền thông tin và thực hiện theo hướng dẫn của hộp thoại bên trái.
  • Bước 4: Nhập đầy đủ các trường thông tin theo yêu cầu hệ thống rồi tích chọn xác nhận [Tôi không phải là người máy] và nhấn [Lấy mã tra cứu], hệ thống sẽ xác nhận thông tin và hiển thị thêm box yêu cầu nhập mã tra cứu.
  • Bước 5: Điền mã OTP được gửi về điện thoại và nhấn [Tra cứu], hệ thống sẽ hiển thị thông báo kết quả về quá trình tham gia đóng BHXH của bạn.

Cách xác định mức điều chỉnh hàng năm

Quy định về mức điều chỉnh hàng năm được áp dụng theo Thông tư số 36/2021/TT-BLĐTBXH, cụ thể như bảng sau:

Năm Mức điều chỉnh Năm Mức điều chỉnh
Trước 1995 5,1 2009 1,88
1995 4,33 2010 1,72
1996 4,09 2011 1,45
1997 3,96 2012 1,33
1998 3,68 2013 1,25
1999 3,53 2014 1,20
2000 3,58 2015 1,19
2001 3,59 2016 1,16
2002 3,46 2017 1,12
2003 3,35 2018 1,08
2004 3,11 2019 1,05
2005 2,87 2020 1,02
2006 2,67 2021 1,00
2007 2,47 2022 1,00
2008 2,01 2023 1,00

Ví dụ cách tính số tiền hưởng BHXH 1 lần

Để hiểu rõ hơn về công thức tính mức hưởng trợ cấp BHXH 1 lần, bạn đọc có thể tham khảo ví dụ sau:

Ông Nguyễn Văn A tham gia BHXH bắt buộc tại công ty B từ tháng 01/2013 đến tháng 05/2016 thì nghỉ việc. Thông tin chi tiết về quá trình đóng BHXH của ông A như sau:

Từ tháng 01/2013 đến tháng 12/2013: Đóng BHXH với mức lương hàng tháng 4.000.000 VNĐ

Từ tháng 01/2014 đến tháng 12/2014: Đóng BHXH với mức lương hàng tháng 4.500.000 VNĐ

Từ tháng 01/2015 đến tháng 06/2015 nghỉ không lương, tạm dừng đóng BHXH

Từ tháng 07/2015 đến tháng 12/2015: 4.800.000 VNĐ đóng BHXH với mức lương hàng tháng

Từ tháng 01/2016 đến tháng 5/2016: Đóng BHXH với mức lương hàng tháng 4.900.000 VNĐ

Vào tháng 06 năm 2017, Ông A nếu muốn nhận BHXH 1 lần thì mức hưởng sẽ được tính như sau:

Bước 1: Xác định mức điều chỉnh tiền lương theo quy định pháp luật

Dựa theo bảng hệ số ở trên, chúng ta có thể xác định mức điều chỉnh hàng năm từ 2013 – 2016 lần lượt như sau: 1,25; 1,20; 1,19; 1,16.

Bước 2: Xác định tổng tiền lương đóng BHXH sau điều chỉnh cho từng giai đoạn

  • Từ tháng 01/2013 đến tháng 12/2013: L1 = 4000.000 VNĐ x 1,25 x 12 tháng = 60.000.000 VNĐ
  • Từ tháng 01/2014 đến tháng 12/2014: L2 = 4.500.000 VNĐ x 1,20 x 12 tháng = 64.800.000 VNĐ
  • Từ tháng 01/2015 đến tháng 06/2015 nghỉ không lương, tạm dừng đóng BHXH: L3 = 0
  • Từ tháng 07/2015 đến tháng 12/2015: L4 = 4.800.000 VNĐ x 1,19 x 6 tháng= 34.272.000 VNĐ
  • Từ tháng 01/2016 đến tháng 5/2016: L5 = 4.900.000 VNĐ x 1,16 = 28.420.000 VNĐ

Bước 3: Xác định tổng số tháng đóng BHXH

Tổng số tháng ông A đóng BHXH là: 12 + 12 + 6 + 5 = 35 tháng

Bước 4: Xác định mức bình quân tiền lương

Mức bình quân tiền lương = (L1+L2+L3+L4+L5)/Tổng số tháng đóng BHXH

Mức bình quân tiền lương = (60.000.000 + 64.800.000 + 0 + 34.272.000 + 28.420.000) VNĐ/ 35 tháng

Mức bình quân tiền lương = 5.356.914 (VNĐ/tháng)

Bước 5: Xác định thời gian tham gia BHXH trước 2014 và từ 2014 trở đi

Trước 2014:

Ông A bắt đầu đóng BHXH từ 01/2013 >>> thời gian đóng BHXH của ông A trước năm 2014 là 1 năm.

Từ năm 2014 trở đi:

Ông A đóng 12 tháng BHXH trong năm 2014 (tính là 1 năm), 6 tháng năm 2015 ( tính là 1/2 năm) và 5 tháng năm 2016 (tính là 1/2 năm).

Tổng số năm ông A đóng BHXH từ năm 2014 là: 1 + 1/2 + 1/2 = 2 năm

>>> Từ 2014 trở đi thời gian đóng BHXH của Ông A là  2,5 năm

Bước 6: Xác định mức hưởng BHXH 1 lần của ông A

Mức hưởng = 1,5 x 5.356.914 x 1 + 2 x 1,5 x 5.356.914 x 2 = 29.463.027 VNĐ

Như vậy, ông A sẽ được nhận BHXH 1 lần với mức hưởng là 29.463.027 VNĐ.

Ngoài ra, bạn đọc cũng có thể truy cập trực tiếp tại ĐÂY để được hỗ trợ tính mức trợ cấp BHXH 1 lần theo hướng dẫn trên hệ thống.

BHXH 1 lần
Người lao động có thể áp dụng theo công thức trên để tính số tiền BHXH 1 lần mình có thể nhận.

5. Hồ sơ thủ tục rút BHXH 1 lần

Khi làm hồ sơ thủ tục rút BHXH 1 lần cần chú ý một số vấn đề như:

Hồ sơ rút BHXH 1 lần bao gồm những giấy tờ gì?

Người lao động muốn làm thủ tục rút BHXH 1 lần cần chuẩn bị một bộ hồ sơ bao gồm:

1 – Bản gốc sổ BHXH

2 – Bản gốc đơn đề nghị theo mẫu số 14 – HSB

3 – Giấy tờ kèm theo tùy theo các các trường hợp cụ thể như:

  • Trường hợp người lao động ra nước ngoài định cư phải nộp thêm bản sao Giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc bỏ quốc tịch Việt Nam hoặc bản dịch bằng tiếng Việt được chứng thực hoặc bản công chứng của một trong các giấy tờ như: hộ chiếu do nước ngoài cấp / visa của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền xác nhận việc cho phép nhập cảnh với lý do định cư/ xác nhận về việc đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài/ xác nhận hoặc thẻ thường trú, cư trú có thời hạn  từ 5 năm trở lên của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp.
  • Trường hợp người lao động mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao, AIDS,… cần có trích sao hoặc bản tóm tắt hồ sơ bệnh án.
  • Trường hợp mắc bệnh khác có mức độ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì cần biên bản giám định của Hội đồng giám định y khoa.
  • Trường hợp thanh toán phí giám định y khóa thì cần có thêm hóa đơn, chứng từ thu phí giám định kèm theo bản chính thể hiện các nội dung giám định của đơn vị giám định.
  • Trường hợp người lao động phục vụ trong quân đội có hưởng phụ cấp khu vực  trước 2007 tại nơi có hưởng phụ cấp khu vực mà sổ BHXH không đề cập thì cần có bản khai cá nhân theo mẫu 04B – HBQP ban hành kèm theo thông tư 136/2020/TT-BQP.

Quy trình nộp hồ sơ và nhận kết quả BHXH 1 lần

  • Bước 1: Lập hồ sơ theo quy định và nộp cho cơ quan BHXH phụ trách địa bàn cư trú.
  • Bước 2: Đơn vị phụ trách tiếp nhận hồ sơ và tiến hành giải quyết theo quy định
  • Bước 3: Trả kết quả cho người lao động bao gồm: quyết định về việc hưởng BHXH 1 lần, bản quá trình đóng BHXH và tiền trợ cấp BHXH 1 lần.

Tham khảo thông tin chi tiết về quy định hồ sơ rút BHXH 1 lần tại đây:

Văn bản pháp luật Nội dung văn bản
Luật bảo hiểm xã hội 2014 Điều 109: Quy định về hồ sơ hưởng BHXH 1 lần

Điều 110: Giải quyết BHXH 1 lần

Hồ sơ rút BHXH 1 lần
Người lao động đủ điều kiện và muốn rút BHXH 1 lần cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ theo đúng quy định

6. Cập nhật thêm những thông tin mới nhất về quy định hưởng BHXH 2023

Quy định hưởng BHXH 1 lần năm 2023 có những thay đổi, bổ sung mới như sau:

Quy định về điều kiện rút BHXH 1 lần năm 2023

Thông tư 18/2022/TT-BYT đã sửa đổi một số nội dung liên quan đến đối tượng nhận BHXH 1 lần trong trường hợp mắc bệnh áp dụng từ 15/02/2023. Cụ thể như sau: 

“Ngoài trường hợp đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS quy định tại điểm c khoản 1 Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội, người mắc các bệnh, tật có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.”.

Quy định về mức điều chỉnh tiền lương/thu nhập đóng BHXH để hưởng BHXH 1 lần năm 2023

Thông tư 01/2023/TT-BLĐTBXH ban hành quy định về hệ số điều chỉnh đóng mức tiền lương tháng đóng BHXH từ 01/01/2023 là 1,00.

Quy định về hình thức nộp hồ sơ hưởng BHXH 1 lần

Nếu như trước kia người lao động bắt buộc phải đến trực tiếp cơ quan BHXH để nộp hồ sơ hoặc phải gửi qua đường bưu điện thì hiện tại có thể nộp hồ sơ online qua cổng thông tin điện tử BHXH.

Quy định này được nêu rõ trong Quyết định 3612/QĐ-BHXH ban hành ngày 09/12/2022.

Quy định về hình thức nộp và hưởng BHXH 1 lần
Thủ tục rút  BHXH 1 lần có những cập nhật, sửa đổi mới áp dụng cho năm 2023.

7. Thận trọng khi lựa chọn rút BHXH 1 lần

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm, người lao động nên cân nhắc kỹ càng trước quyết định có nên rút BHXH 1 lần hay không bởi điều đó có thể mang đến một số hệ lụy và gây thiệt thòi cho quyền lợi của chính bản thân người lao động. Cụ thể như về: 

Mất chỗ dựa tài chính khi về già

Người lao động tham gia BHXH theo quy định sẽ được nhận một khoản trợ cấp hàng tháng để tự chăm lo cho bản thân ở giai đoạn về hưu. Tuy nhiên, nếu trước đó họ đã rút BHXH 1 lần thì sẽ không còn được hưởng chế độ này. Việc lựa chọn BHXH 1 lần có thể giúp họ có một khoản tiền nhất định để trang trải các chi phí trước mắt, song điều đó cũng đồng nghĩa với việc người lao động sẽ không còn chỗ dựa tài chính cho bản thân khi về già. 

Đe dọa sự bền vững của hệ thống an sinh xã hội

Người lao động về già không còn đủ sức làm việc để tạo thu nhập và cũng không có trợ cấp lương hưu do đã rút BHXH 1 lần có xu hướng trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Nếu tỷ lệ người già phụ thuộc tăng lên, hệ thống an sinh của một quốc gia sẽ phải chịu  nhiều áp lực nặng nề, thậm chí là dẫn đến khủng hoảng, mất cân bằng. 

Rút BHXH 1 lần
Rút BHXH 1 lần không chỉ khiến người lao động có thể rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi mất chỗ dựa tài chính lúc già mà còn tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội.

8. Giải đáp các thắc mắc khác về BHXH 1 lần

Một số vấn đề thắc mắc thường gặp liên quan đến BHXH 1 lần mà chúng ta có thể kể đến như:

Thời gian nộp hồ sơ hưởng BHXH 1 lần?

Theo Điểm b, Khoản 1, Điều 8, Nghị định 115/NĐ-CP quy định: “Người lao động sau 1 năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục đóng BHXH mà có yêu cầu thì được hưởng BHXH 1 lần”.

Như vậy sau 1 năm kể từ khi nghỉ việc, nếu người lao động chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục đóng BHXH nữa thì có thể làm hồ sơ yêu cầu hưởng BHXH 1 lần.

Rút BHXH 1 lần bao lâu nhận được tiền?

Trong vòng 10 ngày tính kể từ thời điểm người lao động nộp đầy đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội phụ trách sẽ tiến hành xem xét, giải quyết và trả tiền trợ cấp BHXH 1 lần. 

Rút BHXH 1 lần ở đâu?

Người lao động muốn rút BHXH 1 lần cần nộp hồ sơ yêu cầu hưởng BHXH 1 lần cho cơ quan bảo hiểm xã hội cấp quận/huyện hoặc bảo hiểm xã hội tỉnh (nếu bảo hiểm xã hội được phân cấp giải quyết chế độ BHXH 1 lần) tại nơi người lao động có hộ khẩu thường trú hoặc sổ đăng ký tạm trú.

Rút BHXH 1 lần rồi có đóng lại được không?

Người lao động sau khi rút BHXH 1 lần vẫn có thể đóng lại BHXH nếu đi làm lại tại công ty, cơ quan mới và được ký hợp đồng lao động từ 01 tháng trở lên. Tuy nhiên, thời gian đóng BHXH sẽ được tính mới lại từ đầu, không bao gồm thời gian đóng BHXH đã rút 1 lần.

Đóng BHXH 15 năm có được rút 1 lần không?

Theo quy định của pháp luật hiện hành về điều kiện rút BHXH 1 lần, người lao động nếu đóng BHXH 15 năm vẫn được phép hưởng chế độ rút 1 lần.  

Đóng BHXH 6 tháng có rút được không?

Căn cứ quy định về BHXH 1 lần tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, người lao động nếu đóng BHXH 6 tháng được phép rút một lần sau khi nghỉ việc 1 năm và trong thời gian đó không tham gia BHXH ở bất cứ cơ quan nào

Nghỉ ngang có được nhận BHXH 1 lần không?

Căn cứ thông tin được quy định tại khoản 1 điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và khoản 1b điều 8, Nghị định 115/2015/NĐ-CP, người lao động nghỉ ngang vẫn có thể rút BHXH 1 lần. Tuy nhiên, cần căn cứ vào trường hợp cụ thể để quyết định người lao động có thể rút BHXH 1 lần ngay hay phải chờ đủ 1 năm mới được rút.  

QA
Góc giải đáp thắc mắc liên quan BHXH 1 lần

Bài viết trên đây đã chia sẻ đầy đủ các thông tin về việc rút BHXH 1 lần đang được nhiều người quan tâm. Bạn đọc nếu muốn được tư vấn hỗ trợ thêm về các vấn đề liên quan, xin vui lòng liên hệ trực tiếp đến một trong các kênh sau: 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Ứng dụng công nghệ IoT trong phòng cháy chữa cháy

Theo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, trong 6...

Số hóa dữ liệu trong kỷ nguyên số

 Số hoá dữ liệu là quá trình quan trọng...