Mỗi báo cáo sẽ nhìn nhận “con đường chuyển đổi số Việt Nam” dưới một góc nhìn khác nhau. Nhưng các con đường rồi cũng sẽ dẫn đến một điểm chung, đó là một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Theo nghiên cứu mức độ trưởng thành về số hóa của các Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ – SMB Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) của IDC – Cisco năm 2020, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có mức độ sẵn sàng chuyển đổi số nằm ở mức thấp nhất trong các quốc gia được khảo sát.
Đánh giá chung của IDC – Cisco cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đang ở mức Digital Indifferent (các công ty tập trung hiệu quả chi phí, chưa đầu tư vào chuyển đổi số, hầu hết các quy trình đều do con người thực hiện, thiếu kỹ năng số).
Nghiên cứu này cho rằng, do ảnh hưởng của Covid-19, các doanh nghiệp Việt Nam hiện đã ít nhiều nhận thức được vai trò của công nghệ số ứng dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Tuy nhiên, mức độ nhận thức và ứng dụng còn nhiều khác biệt giữa các doanh nghiệp, giữa các lĩnh vực ngành nghề và cả giữa các vùng miền.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) mới đây cũng đã công bố một báo cáo về chuyển đổi số Việt Nam. Để đánh giá hiện trạng chuyển đổi số Việt Nam, World Bank đã sử dụng 4 trụ cột là kết nối, làm chủ, đổi mới sáng tạo và bảo vệ.
Cách làm của World Bank là so sánh Việt Nam với 12 quốc gia và chọn ra 2 nhóm quốc gia. Trong đó, nhóm 1 (các quốc gia tương đương), bao gồm những nền kinh tế thu nhập trung bình và có hiện trạng chuyển đổi số tương tự với Việt Nam, ví dụ như Nam Phi, Bờ Biển Ngà, Thái Lan hay Philippines. Nhóm thứ 2 là các quốc gia phát triển hơn như Singapore hay Hàn Quốc.
Theo ông Jacques Morisset – Chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý Chương trình Kinh tế Vĩ mô, Thương mại và Đầu tư của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, về kết nối, Việt Nam có thứ hạng tương đối tốt vì hầu hết người dân đều được tiếp cận với các công cụ số, Internet.
Với trụ cột làm chủ, là những gì có thể thực hiện với các công cụ số, Việt Nam chưa có thứ hạng thật tốt và cần thêm kỹ năng số cũng như khung pháp lý quy định hoạt động trong nền kinh tế số.
Về đổi mới sáng tạo hay khả năng thích nghi với các công nghệ số, Việt Nam đã có một số tiến bộ nhất định và ở giữa trong các quốc gia được so sánh.
Ở trụ cột cuối cùng là bảo vệ, kết quả của Việt Nam chưa đồng đều. Việt Nam có thứ hạng tương đối tốt về an ninh mạng, nhưng về truy cập dữ liệu, khả năng dữ liệu và tính liên thông của các đơn vị vận hành, Việt Nam có thứ hạng tương đối thấp so với các quốc gia khác.
Góp thêm góc nhìn về vấn đề này, ông Trần Hữu Quyền – Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ Công nghiệp Bưu chính Viễn thông (thành viên Tập đoàn VNPT), một chuyên gia về chuyển đổi số doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng, chuyển đổi số đã trở thành một trào lưu được toàn xã hội quan tâm và thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian qua.
Điều này giúp cho tổ chức, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các thông tin tham chiếu về chuyển đổi số, cũng như các bài học kinh nghiệm về chuyển đổi số trong nước và quốc tế, trên cơ sở đó xây dựng lộ trình và triển khai chuyển đổi số phù hợp.
Việt Nam có một hạ tầng viễn thông, CNTT tốt. Không chỉ vậy, gần đây một số tập đoàn công nghệ, doanh nghiệp số trong nước như VNPT, FPT, Base.vn,… đã và đang xây dựng phát triển và hoàn thiện các nền tảng chuyển đổi số, tạo thuận lợi và giúp các tổ chức doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số dễ dàng và nhanh chóng.
Tuy nhiên, theo ông Quyền, các tổ chức, doanh nghiệp cũng đang đối mặt với không ít khó khăn như năng lực công nghệ số, năng lực quản trị, năng lực tài chính, … và không thể không nói đến văn hóa doanh nghiệp, trong đó cần nhấn mạnh đến văn hóa chia sẻ, môi trường làm việc minh bạch.
Một trong những yếu tố mang tính quyết định đến thành công của chuyển đổi số trong tổ chức, doanh nghiệp là ý chí của lãnh đạo. Do đó, trong các khó khăn khi thực hiện chuyển đổi số tại Việt Nam, rào cản về con người vẫn là rào cản lớn nhất.